ĐỒNG THÁP

Huyện Cao Lãnh: Diện mạo mới từ chương trình nông thôn mới

11:13:37 | 25/2/2016

Cao Lãnh là huyện có dân số đông so với các huyện, thị, thành trong tỉnh Đồng Tháp, nằm ven phía Bắc sông Tiền, là cửa ngõ quan trọng tiếp giáp với trung tâm Tỉnh lỵ (TP. Cao Lãnh) và qua Quốc lộ 30 đi TP. Hồ Chí Minh. Với diện tích đất tự nhiên là 491 km­­­­2­, Huyện có nhiều tiềm năng lợi thế và giữ vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sự, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh về một số thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoàng Ngọc thực hiện.

Xin ông cho biết một số kết quả trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Cao Lãnh trong năm 2015?

Trong những năm gần đây, với chủ trương khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Cao Lãnh liên tục gặt hái những thành quả khả quan. Phát triển kinh tế của Huyện đã có bước tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công ngiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt trong năm 2015, năm cuối thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ X nhiệm kỳ 2010 - 2015, Huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,... các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt và tăng so cùng kỳ năm 2014, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,2%, trong đó khu vực I tăng 4,96%, khu vực II tăng 11,64% và khu vực III tăng 13,52%. GDP bình quân đầu người đạt 29,77 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đâu là những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của Huyện trong năm qua, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn, tính cạnh tranh hàng hóa sản xuất còn hạn chế; giá cả một số mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ hơn so với cùng kỳ; triển khai thực hiện các ngành hàng theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện còn khó khăn, chưa có nhiều mô hình đột phá trong sản xuất nông nghiệp; hoạt động kinh tế tập thể còn hạn chế.

Huyện Cao Lãnh đã và có những giải pháp gì tháo gỡ khó khăn và tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội?

Với kết quả đạt được trong thời gian qua và khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của Huyện. Trong thời gian tới, Huyện xác định các mục tiêu chủ yếu, đột phá như: Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng trọng tâm, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Tập trung triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tập trung củng cố hoạt động và hình thành Hợp tác xã ở những nơi có điều kiện; tập trung phát triển 05 ngành hàng chiến lược của Huyện: lúa gạo, xoài, cá, vịt, tôm; xây dựng nền nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện, ổn định, vững chắc, tạo sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng ngày càng cao; xây dựng hình thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ với quy mô phù hợp. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch ở các địa phương có điều kiện (Gáo Giồng, Bình Thạnh, Mỹ Long, thị trấn Mỹ Thọ…) để thực sự trở thành ngành kinh tế có thế mạnh của huyện. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Chương trình nông thôn mới đang được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, đối với huyện Cao Lãnh, chương trình đã và đang thực hiện thế nào?

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều việc làm thiết thực, vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất xây dựng lộ, bờ kè, nhà văn hóa..., đã huy động các nguồn lực đầu tư được 353 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 55 tỷ đồng, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện có 04 xã (Bình Thạnh, Gáo Giồng, Tân Nghĩa và Mỹ Thọ) được công nhận đạt tiêu chí xã nông thôn mới và 01 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, 05 xã diện đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 07 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.

Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương, thưa ông?

Thuận lợi: Được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và sự đồng thuận của nhân dân nên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả tích cực.

Khó khăn: Nhận thức của một bộ phận nhân dân, cán bộ cấp cơ sở về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, còn trông chờ vốn ngân sách nhà nước đầu tư; việc chỉ đạo chưa thống nhất, thực hiện còn lúng túng. Sự phối hợp, tham mưu của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo huyện, các ngành có lúc chưa kịp thời, chưa chặt chẽ và chưa sát với tình hình thực tế.

Công tác rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới ở một số xã chưa sát với tình hình thực tế và chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao; tiến độ triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng xã điểm nông thôn mới còn chậm. Bộ mặt nông thôn, nhất là cảnh quan, vệ sinh môi trường chưa thay đổi đáng kể. Việc tham gia xây dựng nông thôn mới của người dân chưa tạo thành phong trào rộng khắp.