15:07:58 | 10/7/2018
Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng lẫn chất lượng; góp phần nâng cao tỉ lệ đô thị hóa cũng như mang lại diện mạo đô thị mới, khang trang, hiện đại cho tỉnh. Để tìm hiểu thêm về những đổi thay đầy khởi sắc này, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quý Tiêu - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh. Duy Anh thực hiện.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về công cuộc "thay áo mới" của đô thị Bình Định?
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 16 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 32 %. Tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, không gian đô thị Bình Định cũng từng bước có những đổi thay, chuyển dịch lớn về quy mô cũng như hình thái phát triển dưới sự tác động lan tỏa từ các khu vực động lực của tỉnh. Trước đây không gian đô thị toàn tỉnh phát triển tập trung chủ yếu dọc 2 hành lang kinh tế QL 1, QL 19 và xung quanh trung tâm động lực là Tp.Quy Nhơn. Ngoài Quy Nhơn, các đô thị phát triển với quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu mang tính chất quản lý hành chính. Giữa các đô thị chưa thực sự tạo ra sự liên kết, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế; không gian đô thị khá rời rạc.
Tuy nhiên trong điều kiện phát triển mới, không gian đô thị Bình Định không chỉ chịu sự tác động các yếu tố phát triển truyền thống mà còn ảnh hưởng bởi rất nhiều tác nhân phát triển khác như: chuỗi KCN dọc trục QL19 Nhơn Hòa - Bình Nghi; hệ thống cảng nước sâu Quy Nhơn; hành lang ven biển (ĐT 369); hệ thống cảng cá Tam Quan, Đề Gi; hệ thống giao thông quốc gia…Bên cạnh đó, những không gian văn hóa Chămpa, văn hóa Tây Sơn…kết hợp với hệ thống đầm hồ phong phú đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong mô hình phát triển không gian đô thị toàn tỉnh.
Hiện nay không gian đô thị toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển dựa trên khung động lực chính gồm: Hành lang kinh tế Đông Tây; Hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế ven biển (ĐT 639); Tp.Quy Nhơn, KKT Nhơn Hội; hệ thống di tích văn hóa tiêu biểu thời kỳ Chămpa, Tây Sơn…Trên cơ sở những động lực đó, cấu trúc không gian đô thị Bình Định đang dần chuyển biến về hình thái, quy mô đô thị, hướng phát triển đô thị… nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế mà các khu vực động lực đem lại cũng như tạo dựng một diện mạo mới cho không gian đô thị toàn tỉnh.
Đâu là những công trình trọng điểm góp phần làm nên sự khởi sắc cho diện mạo đô thị tỉnh?
Một trong những công trình trọng điểm góp phần làm nên sự khởi sắc cho diện mạo đô thị tỉnh phải kể đến dự án đường Xuân Diệu đoạn từ Mũi Tấn đến eo sân bay được hoàn thành nhằm tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, tạo diện mạo mới cho thành phố biển Quy Nhơn trong một tương lai gần, hướng đến một thành phố du lịch văn minh, hiện đại.
Song song đó, không gian biển Tp.Quy Nhơn tiếp tục được hoàn thiện với các dự án quảng trường Nguyễn Tất Thành; các khách sạn 5 sao thuộc khu vực Trung đoàn vận tải 655, phường Nguyễn Văn Cừ; các khu đất dịch vụ nằm dọc đường Nguyễn Huệ khu vực Mũi Tấn. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu đô thị mới như: Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu đô thị Đại Phú Gia, Khu đô thị mới An Phú Thịnh… cũng góp phần đáng kể trong phát triển đô thị của Thành phố.
Các dự án mở rộng, kết nối giao thông đã tạo được sự gắn kết về không gian và mang lại nhiều giá trị cảnh quan. QL 1D từ bến xe khách liên tỉnh đến ngã ba Phú Tài đã tạo trục đường cảnh quan và giao thông quan trọng, cửa ngõ thành phố khang trang, hiện đại. Các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến QL 19, tuyến sân bay Phù Cát - KKT Nhơn Hội, tuyến ngã ba Long Vân - Canh Vinh hình thành các trục giao thông gắn kết các khu chức năng và mở rộng không gian phát triển đô thị.
Nhiều dự án thương mại, dịch vụ, du lịch đã và đang triển khai đã tạo bước đột phá cho sự phát triển của thành phố. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn đã tạo cú hích quan trọng, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư cho Bình Định. Nhiều công trình cao tầng ven biển Quy Nhơn đang triển khai như: Tổ hợp khách sạn FLC SeaTower Quy Nhơn, TMS Luxury Hotel Quy Nhơn Beach, Khu phức hợp Kim Cúc, Khu phức hợp BMC… tạo điểm nhấn quan trọng cho không gian kiến trúc cảnh quan đô thị Quy Nhơn văn minh, hiện đại. Đặc biệt các dự án tại Thung lũng sáng tạo, phường Ghềnh Ráng (Trung tâm Khoa học quốc tế & Giáo dục liên ngành - ICISE, Tổ hợp không gian khoa học, Trung tâm sản xuất phần mềm TMA...) là điểm nhấn gắn khoa học giáo dục với sản phẩm du lịch, vì khoa học giáo dục mà tỉnh hướng đến nhằm xây dựng Tp.Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học theo gợi ý của Thủ tướng vào đầu tháng 5/2018.
Căn cứ vào định hướng phát triển của đô thị Bình Định đến năm 2035 theo quy hoạch vùng tỉnh Bình Định, việc phát triển không gian đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ theo những hướng nào?
Định hướng phát triển của đô thị Bình Định theo phân vùng kinh tế; phân bố hệ thống đô thị tập trung tại 2 cực nhằm tối đa hóa vị thế, vai trò của đô thị trung tâm, xây dựng hệ thống đô thị vệ tinh hỗ trợ; từ đó tạo sức phát triển KT-XH lan tỏa đến toàn vùng. Trong đó Tiểu Vùng 1 - Vùng kinh tế phát triển tổng hợp bao gồm: Tp.Quy Nhơn, TX.An Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (Tp.Quy Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng). Tiểu Vùng II - Vùng với tiềm năng phát triển nông nghiệp - dịch vụ - du lịch bao gồm: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân (Hoài Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng).
Không gian tổng thể tỉnh Bình Định được phát triển theo 2 chủ đạo: hướng Đông-Tây gắn với trục QL 19, hướng Bắc-Nam gắn với trục QL 1 nhằm nhấn mạnh phân vùng kinh tế phát triển tổng hợp, tạo sức lan tỏa đều ra các phía, thúc đẩy phát triển KT-XH của toàn vùng. Hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn được bố trí linh hoạt dựa trên điều kiện tự nhiên và thế mạnh kinh tế của từng địa phương, có sự liên kết và phân công phù hợp.n
Trân trọng cảm ơn ông!