15:09:47 | 10/7/2018
Với phương châm "giao thông phải đi trước một bước", tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại và khép kín; qua đó đã tạo được sức hút lớn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Định là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Duyên hải miền Trung và kết nối với Tây Nguyên. Về hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), Bình Định tiếp cận thuận lợi với hệ thống giao thông quốc gia khi có 5 tuyến quốc lộ (QL) đi qua địa bàn, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Phù Cát, Cảng biển Quy Nhơn,...; tạo điều kiện phát triển giao thương trong nước cũng như quốc tế.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh - ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, trong các năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh Bình Định đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương kết hợp vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó mà mạng lưới GTVT trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển quan trọng theo hướng đồng bộ, hiện đại và liên hoàn.
Về đường bộ, nếu như trước năm 1975 Bình Định chỉ có 2 tuyến QL thì hiện nay là 5 tuyến (QL 1, QL 1D, QL 19, QL 19B, QL 19C) với tổng chiều dài 310 km. Ngành GTVT tỉnh cũng đã tận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông mới nhằm khép kín mạng lưới giao thông, phục vụ công cuộc phát triển KT - XH như: Đường Quy Nhơn - Sông Cầu (nay là QL 1D), Cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (có cầu Thị Nại từng là cây cầu vượt biển dài nhất cả nước), Đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan (ĐT.639), Đường phía Tây tỉnh (ĐT.638)…; đồng thời nâng cấp các tuyến QL huyết mạch trên các hành lang vận tải Bắc - Nam và Đông - Tây như QL 1, QL 1D, QL 19 kết nối các tỉnh khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên với cả nước.
Hệ thống đường đô thị tại TP.Quy Nhơn, TX.An Nhơn cùng các đô thị khác trong tỉnh cũng được xây dựng mới và nâng cấp với tổng chiều dài 614 km, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị theo hướng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Hệ thống các tuyến đường tỉnh đang cải tạo và nâng cấp bao gồm 11 tuyến, tổng chiều dài 446 km cùng hệ thống đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn… tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn giữa các vùng, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân. Khối lượng vận chuyển hàng hóa mỗi năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 16 triệu tấn (chưa kể đường biển) và vận chuyển hành khách mỗi năm đạt 34 triệu người. Cảng Quy Nhơn hiện là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực với lượng hàng hóa thông qua năm 2017 đạt trên 7,5 triệu tấn. Đường sắt Bắc - Nam chạy suốt chiều dài tỉnh (158,4 km) cũng từng bước được ngành đường sắt nâng cấp, mở rộng, cải thiện các dịch vụ vận tải đường sắt. Sân bay Phù Cát đạt mức tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đang nâng cấp mở rộng nhà ga hành khách đạt công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm và có thể mở rộng công suất đạt 2,4 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra để phục vụ phát triển KT - XH, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tỉnh Bình Định đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường mang tính chiến lược như: Đường phía Tây tỉnh đoạn km130 - km145, Đường trục KKT nối dài, tuyến QL 19 mới đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL 1. Riêng Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa 65%/5.225km trong tổng số 8.037km đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Để hệ thống giao thông theo kịp và phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh, thời gian tới ngành GTVT Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều thành tích hơn nữa; tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương ngày càng tăng trưởng và phát triển về mọi mặt, hội nhập hiệu quả cùng sự phát triển chung của đất nước.
Đức Bình