THỪA THIÊN - HUẾ

Đại học Huế: Không xem khởi nghiệp là một phong trào mà là thái độ sống

10:37:42 | 25/6/2019

Những năm gần đây, khởi nghiệp nổi lên như một phong trào trên khắp cả nước. Các trường đại học, các tỉnh, thành phố liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp. Để không trở thành một trào lưu, Đại học Huế (ĐHH) đã phát triển một cách tổng thể mọi mặt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, cán bộ giảng viên, chuyển giao tích cực các sản phẩm nghiên cứu khoa học, mục tiêu xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển bền vững. Các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại ĐHH được đa dạng hóa.

Chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được ĐHH ban hành từ sớm, giúp các đơn vị thành viên và trực thuộc có căn cứ xây dựng kế hoạch hành động các giai đoạn cũng như hàng năm.

ĐHH đã đầu tư xây dựng không gian làm việc chung rộng 650m2 tại tòa nhà số 20 Lê Lợi, thành phố Huế, đáp ứng cùng lúc 200 chỗ làm việc với hệ thống các phòng họp đa dạng, phòng thư giãn, các văn phòng đại diện, phòng đào tạo và văn phòng điều hành, trang cấp đầy đủ hệ thống âm thanh, máy chiếu, máy lạnh, đến các thiết bị nhà bếp như tủ lạnh, lò vi sóng, máy pha café, … tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhóm khởi nghiệp làm việc và tái tạo sức lao động.

Một loạt các chuỗi sự kiện truyền thông, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và ĐMST đã được tổ chức. Trong năm 2018, ĐHH có hơn 30 sự kiện, thu hút sự tham gia của hơn 10.000 lượt sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ, giảng viên.

Nhằm nâng cao năng lực cho hệ sinh thái, ĐHH đã tổ chức các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao bao gồm: đào tạo cơ bản về nhận thức khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo nâng cao và các kỹ năng khởi nghiệp ĐMST; nâng cao năng lực cho huấn luyện viên khởi nghiệp và cố vấn khởi nghiệp. Đến tháng 6 năm 2019, đã có hơn 300 sinh viên, 150 cán bộ, giảng viên, 30 lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn được đào tạo, huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao.

Các cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức định kỳ và mở rộng quy mô ra ngoài ĐHH nhằm tìm kiếm các ý tưởng dự án, tuyển đầu vào cho vườn ươm. Nhiều ý tưởng xuất phát từ cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp ĐMST ĐHH, đã phát triển thành công, thành lập được doanh nghiệp và có khách hàng, doanh thu tăng trưởng. Cuộc thi Business Innovation Hackathon tạo môi trường để các bạn sinh viên gặp gỡ nhau, thành lập đội nhóm và hình thành ý tưởng mới. Một số ý tưởng dù mới được xây dựng và phát triển trong 24 giờ nhưng đã gây được tiếng vang khi thuyết phục được các nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ, cam kết đầu tư. Các cuộc thi về khởi nghiệp cũng là môi trường để cho cán bộ, giảng viên nâng cao kinh nghiệm, năng lực trong việc tư vấn, huấn luyện, từ đó nâng cao khả năng hỗ trợ khởi nghiệp của cán bộ, giảng viên tại ĐHH.

Chương trình ươm tạo các dự án khởi nghiệp được ĐHH xây dựng nhằm hỗ trợ các nhóm phát triển ý tưởng trong giai đoạn đầu của vòng đời. Chương trình được thiết kế kéo dài 6 tháng, với các khóa đào tạo, huấn luyện, các hội thảo chuyên đề, các sự kiện, hoạt động mentoring cùng với những dịch vụ hỗ trợ liên quan như pháp lý, sở hữu trí tuệ, văn phòng chia sẻ,… sẽ là bước đệm lý tưởng để hiện thực hóa ý tưởng của các doanh nhân khởi nghiệp, giúp các dự án tăng khả năng nhận được đầu tư và tăng khả năng thành công.

Cùng với không gian làm việc chung, đội ngũ cố vấn khởi nghiệp là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo sự thành công cho các dự án khởi nghiệp. ĐHH đã xây dựng được một mạng lưới cố vấn khởi nghiệp là lãnh đạo các doanh nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức chương trình huấn luyện nâng cao kỹ năng cố vấn khởi nghiệp cho các thành viên trong mạng lưới. Đội ngũ chuyên gia cố vấn cao cấp cũng đã cam kết đồng hành cùng ĐHH trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài việc hỗ trợ phát triển cho các dự án khởi nghiệp, các chuyên gia hàng đầu về ĐMST trên khắp Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ ĐHH trong việc xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ĐHH.

Để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ĐHH đã tranh thủ mọi nguồn lực, từ địa phương đến quốc tế, từ doanh nghiệp đến Chính phủ. Một số nguồn lực tiêu biểu có thể nhắc đến như Bộ Khoa học và Công nghệ với Đề án 844, Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án 1665, Tổ chức Đại học Pháp ngữ - AUF, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, các tổ chức, dự án quốc tế như Erasmus+, Vlir-iuc, VETEC, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam – SVF, Sáng kiến mạng lưới cố vấn khởi nghiệp Việt Nam – VMI, Vietnam Silicon Valley, FiNNO Venture, NSCI, …

Tại mỗi giai đoạn của vòng đời dự án khởi nghiệp, ĐHH đều có những hoạt động hỗ trợ cần thiết. Ở giai đoạn hình thành ý tưởng, thông qua các sự kiện, các khóa đào tạo huấn luyện cơ bản và các cuộc thi, các sinh viên được truyền cảm hứng, được cung cấp thông tin, giới thiệu các điển hình thành công, hỗ trợ thành lập phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên. Ở giai đoạn phát triển sản phẩm, các nhóm được cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về kinh doanh như pháp luật, thuế, được hỗ trợ về không gian làm việc. Ở giai đoạn tăng trưởng, các dự án được hỗ trợ kết nối, cung cấp nguồn lực là những tài năng kinh doanh, nguồn lực chất lượng tốt với tư duy, kỹ năng và trải nghiệm hữu ích.
Theo bộ tiêu chí đánh giá được phát triển dựa trên nội dung kế hoạch trong Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia” của Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ĐHH đang ở trong giai đoạn mới hình thành, bước đầu đã có những tín hiệu lạc quan. Tính đến tháng 6 năm 2019, ĐHH đã hỗ trợ hình thành và phát triển cho hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp, trong đó nhiều ý tưởng đã thành lập được doanh nghiệp, tăng trưởng doanh thu đều đặn. Một số ý tưởng kêu gọi vốn thành công từ rất sớm.

 Là một trong ba đại học vùng của cả nước, ĐHH có quy mô gần 50.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh với 8 trường đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc cùng một phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị.

Trong giai đoạn sắp tới, ĐHH tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với một số nội dung chủ yếu: Đưa chương trình giảng dạy về khởi nghiệp ĐMST vào chương trình đào tạo từ năm học 2019-2020. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ cán bộ, giảng viên tham gia làm cố vấn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST. Thành lập doanh nghiệp trực thuộc ĐHH để đầu tư nghiên cứu, thí điểm, sản xuất thử các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHH. Tổ chức ươm tạo các ý tưởng và các doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp. Thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐHH từ nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn xã hội hóa khác. Chỉ đạo các đơn vị sử dụng hiệu quả và đảm bảo tỷ lệ chi từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của sinh viên cho các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại các đơn vị trực thuộc ĐHH; tăng cường liên kết giữa sinh viên với doanh nghiệp để đưa tri thức, dự án nghiên cứu vào đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh; kết nối các nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ĐHH xây dựng cho sinh viên một tư duy trách nhiệm với xã hội, không xem khởi nghiệp là một phong trào mà là một thái độ sống.