Trở thành đô thị loại I từ năm 2005, TP Huế không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội mà còn là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động. Để nâng cao hiệu lực quản lý điều hành, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với xây dựng chính quyền điện tử, qua đó tạo mọi thuận lợi cho người dân và DN trong quá trình hoạt động.
Tạo thế lực vững vàng
Sau 10 năm triển khai Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; 5 năm thực hiện Quyết định 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP Huế đã liên tục nỗ lực và tạo sự phát triển mạnh mẽ.
Trước hết, TP luôn giữ tăng trưởng kinh tế cao ổn định, bình quân 10 năm đạt 16,38%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ (năm 2018 du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 73,78%; công nghiệp-xây dựng 25,44% và nông nghiệp còn 0,78%). Năm 2018, doanh thu thương mại đạt mức 30.073 tỷ đồng, tăng 3,93 lần năm 2009; du lịch đón 2,6 triệu lượt khách với doanh thu 2.750 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp đạt 8.200 tỷ đồng tăng 2,92 lần năm 2009…
TP đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát triển đô thị với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy, hàng loạt dự án được đầu tư xây dựng nhanh chóng như: Tổ hợp 5 sao Goldland Plaza 16 tầng, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Khách sạn Sen Trắng ở 15 tầng), Bệnh viện đa khoa Quốc tế 15 tầng,… làm thay đổi diện mạo và từng bước đưa Huế hình thành các trung tâm dịch vụ - du lịch - tài chính theo hướng đô thị hiện đại. Cùng với thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 8/2018), Dự án TP truyền thông thông minh Huế cũng đang được UBND tỉnh xúc tiến xây dựng tại khu đô thị mới An Vân Dương diện tích 39,6ha với kinh phí 22 triệu USD… góp phần xây dựng TP Huế thông minh và tiện ích hơn.
TP còn đẩy mạnh triển khai Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường. Trong 5 năm 2014 - 2018, hơn 900 tỷ đồng đã được đầu tư và triển khai nhiều dự án như: Mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, đường đi bộ trên sông (do KOICA tài trợ không hoàn lại); Cải thiện Môi trường nước TP; Chỉnh trang đường, vỉa hè, điện chiếu sáng một số khu vực trung tâm TP,…, qua đó đưa TP Huế ngày càng “xanh, sạch, đẹp và trật tự văn minh”, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố Festival, phát triển theo hướng bền vững.
Gắn CCHC với xây dựng chính quyền điện tử
Thời gian qua, TP đã tập trung chỉ đạo đẩy CCHC trên cả 6 lĩnh vực và đạt được kết quả đáng kể: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị được sắp xếp phù hợp; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng giải quyết TTHC và hiệu quả hoạt động các cơ quan hành chính đổi mới, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường…
Đặc biệt, TP đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) triển khai mô hình điện tử tại Trung tâm hành chính công TP, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các phường; sử dụng 05 phần mềm dùng chung và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Hiên 100% TTHC đã được vào vào Trung tâm hành chính công, trong đó 61 TTHC đã liên thôn và có 218/351 TTHC trực tuyến mức độ 3 và 4.
Thực hiện chủ đề năm 2019 của tỉnh “Năm kỷ cương, kỷ luật hành chính; Năm nâng cao hiệu lực,hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, TP cũng xác định: CCHC gắn với chính quyền điện tử là một trong 4 chương trình trọng điểm. UBND TP đã ban hành Kế hoạch để triển khai với các nhiệm vụ như: Tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến về chính quyền điện tử; hoàn thiện hạ tầng dùng chung và đảm bảo an toàn thông tin; chuẩn hóa và tích hợp thống nhất hệ thống thông tin; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo điều kiện phát triển chính quyền điện tử. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vướng mắc, trở ngại như: chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa rõ ràng, chồng chéo (như Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất…), một số văn bản quy định chưa đầy đủ, rõ ràng (liên quan đến công tác cấp phép, chứng nhận, giải quyết tranh chấp đất đai, nhà ở…)
Ông Trần Song - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Chính quyền điện tử triển khai tại TP Huế là mô hình điện tử hiện đại, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý điều hành chính quyền và cung cấp đến người dân dịch vụ tiện ích. Việc nâng cấp hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo đủ điều kiện vận hành cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và đồng thời tích hợp Cổng dịch vụ công tỉnh và áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí theo mô hình dịch vụ thông minh. Cán bộ, công chức có thể phối hợp tổ chức, thực thi công vụ mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện, nhờ đó công việc được hoàn thành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao với 24 giờ/tuần thông qua các kênh giao tiếp điện tử phổ biến như: Internet, ứng dụng thông minh, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI