Là địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng và vùng canh tác rau, hoa nổi tiếng của Việt Nam, Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa luôn quan tâm, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững. Thành phố luôn chú trọng để phát triển đồng thời hai thế mạnh nông nghiệp và du lịch.
Sau 8 năm trở thành thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố Đà Lạt đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010): 10,6%/năm (kế hoạch (KH): 10,4%/năm); cơ cấu kinh tế: Dịch vụ - thương mại 67,2% (KH 66,8%); công nghiệp - xây dựng 17,3% (KH 17,7%); nông lâm thủy sản: 15,5% (KH 15,5%); GRDP bình quân đầu người: 105 triệu đồng/người/năm (KH 104 triệu đồng/người/ năm)... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu: 85,38 triệu USD, đạt 100,5% KH và tăng 112% so cùng kỳ; tổng lượng khách đến du lịch, tham quan ước đạt 6,1 triệu lượt khách, đạt 102% KH và tăng 7% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chiếm trên 14%...
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Đà Lạt đã chủ động phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ từ các ngành của tỉnh, trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế... để huy động nguồn lực, tạo được sự bứt phá trong xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững.
Là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình thành phố thông minh, Trung tâm điều hành thông minh TP.Đà Lạt có thể giúp cơ quan quản lý giám sát và kịp thời xử lý các sự việc từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn.
Điểm nhấn hiện nay là Đà Lạt đã triển khai bước đầu về quản lý quy hoạch đô thị, đất đai. Hiện tại, hệ thống đang cập nhật và từng bước hoàn chỉnh các dữ liệu về quản lý đô thị, quản lý quy hoạch trên địa bàn.
Đà Lạt hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, “Nông nghiệp xanh” ở Nam Tây Nguyên. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6.730 ha, tăng 35,7% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích 400 triệu đồng/ha/năm, tăng 48,2% so với năm 2016. Đặc biệt một số mô hình trồng hoa lyly, địa lan…có giá trị sản xuất đạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thành phố cũng đã hình thành các vùng canh tác rau, hoa, cây công nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Với tầm nhìn phát triển, Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2050 trở thành vùng đô thị có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á. Đó là đô thị với các công năng: trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định, thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, thân thiện, giữ vững an ninh chính trị; chú trọng cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI