LÂM ĐỒNG

Phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững

10:00:05 | 14/7/2020

Tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp cao, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng.

Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng kinh tế du lịch của Lâm Đồng?

Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên với điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống động thực vật, kiến trúc đặc thù và nền văn hóa bản địa đã tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch chất lượng cao.

Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương là du lịch sinh thái, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch (Festival Hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, Mùa hội cỏ hồng …); tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du lịch canh nông (với các sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trà, rau, hoa…); du lịch thể thao mạo hiểm (leo núi, vượt thác, xe đạp địa hình, đi bộ băng rừng…) để phục vụ du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng, đặc biệt là khách quốc tế.

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, du lịch Lâm Đồng đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển du lịch được tỉnh Lâm Đồng xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Hoạt động du lịch trong giai đoạn từ 2016 -2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những bước phát triển ấn tượng. Lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 8,9%; lượt khách qua lưu trú tăng trưởng bình quân là 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số khách qua lưu trú. Riêng năm 2019 Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch (Đà Lạt đón gần 6 triệu).

Du lịch phát triển đã kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển như thế nào, thưa bà?

Hoạt động du lịch phát triển, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý trực tiếp và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, ở Lâm Đồng có nhiều sản vật nông nghiệp, các làng nghề truyền thống với các sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trà, rau, hoa, tơ lụa… đã tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế qua việc giới thiệu bán các sản phẩm cho các du khách đến thăm quan, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ. Khi du lịch phát triển thì nhiều lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi thông qua các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch như xây dựng, in ấn và xuất bản, sản xuất, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tài chính…

Phát triển du lịch tại Lâm Đồng còn là phương tiện tuyên truyền quảng bá rất hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của đất và con người Lâm Đồng tới bè bạn trong nước và quốc tế, qua đó thu hút kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Lâm Đồng.

Tiếp nối những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2020 -2025 Lâm Đồng làm gì để phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững, thưa bà?

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh Lâm Đồng. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trên lĩnh vực du lịch đối với khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch dịch vụ. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực.

Hiện nay, toàn tỉnh có 143 dự án du lịch, dịch vụ còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 53.516,9 tỷ đồng, quy mô diện tích 12.770,8 ha. Trong đó: có 137 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 52.305 tỷ đồng; 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 1.211,9 tỷ đồng. Đến nay, có 42 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động kinh doanh, chiếm 29,4%; 63 dự án đang triển khai và hoạt động một phần, chiếm 44,1% và 37 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chiếm 26,5% tổng số dự án; tổng vốn đã thực hiện khoảng 6.982,7 tỷ đồng.

Ưu tiên phát triển du lịch thông minh, trong đó, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ du lịch, đặc biệt là giao thông đường bộ, hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác hoạt động hai khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và Đan Kia - Suối Vàng, hai khu du lịch trọng điểm của tỉnh hồ Prenn và hồ Đại Ninh. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, đặc thù của tỉnh: du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch mạo hiểm. Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, có khả năng cạnh tranh cao như du lịch cộng đồng; du lịch thể thao; du lịch kết hợp với chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của tỉnh như TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh vùng duyên hải Miền Trung; mở rộng thị trường khách nội địa sang các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng... Tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường truyền thống như các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á...; mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch đến Lâm Đồng hàng năm tăng nhanh; mở thêm các đường bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng của tỉnh.

Tiếp tục phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh; đa dạng các phương thức liên kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, ưu tiên hợp tác liên kết khu vực để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến chung; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo cơ cấu hợp lý về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập
 Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch và các ngành chức năng trên lĩnh vực quản lý du lịch, dịch vụ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan, môi trường xã hội tại các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch; xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng là địa phương có môi trường tự nhiên đẹp, môi trường xã hội an toàn, thân thiện, hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum