LÂM ĐỒNG

Hướng đến nông nghiệp thông minh

10:05:16 | 14/7/2020

Triển khai quyết liệt Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành của UBND tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách và nguồn lực to lớn, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện với nhiều thành tựu nổi bật.

Dấu ấn đậm nét

Lâm Đồng vốn là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của cả nước, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường quốc tế, được định hướng phát triển vùng nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Trọng tâm là 4 mục tiêu, hướng đến xây dựng thương hiệu số một Việt Nam; cụm sản xuất rau hoa số một Đông Nam Á; điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu nông nghiệp chủ lực tại Tây Nguyên.

Nỗ lực thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngành Nông nghiệp đã gặt hái những kết quả tích cực. Trên diện tích đất canh tác nông nghiệp ổn định khoảng 300 ngàn ha được tổ chức thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng tiểu vùng khí hậu trong tỉnh. Mức độ đầu tư cho sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh hiện có 60.200 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích đất canh tác, tăng 40% so với năm 2015. Giá trị sản xuất (GTSX) công nghệ cao chiếm 40% GTSX ngành nông nghiệp. Các yếu tố trên đã góp phần nâng GTSX  bình quân toàn tỉnh lên 185 triệu đồng/ha/năm (tăng 40 triệu đồng so với năm 2015).

Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện, từng bước hiện đại. Hai công trình thủy lợi trọng điểm hồ Đạ Lây và Đạ Sị được khởi công xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thành; trên 260 km kênh mương được nâng cấp... Qua đó, diện tích được tưới 168.000 ha, đạt 65% diện tích gieo trồng cần tưới (tăng 21.900 ha so với 2015); diện tích tưới tiết kiệm đạt 38.500 ha.

Đặc biệt, việc tăng cường hợp tác với JICA để thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành đã tạo nên thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên một số nông sản chủ lực của tỉnh. Hiện có 1.300 ha rau được cấp chứng nhận các tiêu chuẩn GAP; 77.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn bền vững và 20 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; có 19 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được hình thành và phát triển.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Ngày càng nhiều hình thức liên kết hình thành và phát triển, đặc biệt là mô hình chuỗi giá trị nông sản, qua đó gắn kết được sản xuất với thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Hướng đến nông nghiệp thông minh

Nhiệm kỳ 2020-2025, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng đạt 4,5-5%, khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ 35-36,5% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Cơ cấu nội bộ ngành: Trồng trọt 75-78%, chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%. Nâng cao hiệu quả sử dụng trên 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp, phấn đấu diện tích NNCNC đạt 25% diện tích canh tác trong đó diện tích nông nghiệp thông minh đạt 1.000 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 1.600 ha. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích trung bình 220 triệu đồng/ha/năm.

Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi và 20% diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị. Nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% giá trị nông sản toàn tỉnh. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Phấn đấu có ít nhất 150 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia.

Thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, hình thành các HTX có năng lực, trình độ, điều kiện sản xuất kinh doanh dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực dự báo thị trường nông sản làm cơ sở lập kế hoạch sản xuất sát với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ một cách đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh.

Nguồn: Vietnam Business Forum