QUẢNG BÌNH

Huyện Quảng Ninh: Tạo nền tảng vững để bứt phá nhanh hơn

10:04:32 | 29/7/2020

Ngày 22/6/2020, huyện Quảng Ninh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm tái lập (1990-2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ba thập niên qua, nhất là trong những năm gần đây, với sự nỗ lực thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đạt được kết quả đáng kể, tạo nền tảng vững chắc để bứt phá nhanh hơn trong tương lai bằng các mũi nhọn đột phá.

Xây nền tảng vững vàng

Ngày 1/7/1990, theo Quyết định số 190/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện Quảng Ninh được tái lập trong bề bộn khó khăn. Song với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết, đổi mới, tiến lên” Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. So với năm 1990, quy mô kinh tế tăng gấp 15 lần. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 1990 -2019 đạt 9,4%, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5%, công nghiệp, xây dựng tăng 9,5%, dịch vụ tăng 12,6%. Thu nhập bình quân/người tăng 109 lần (từ 393.000 đồng năm 1990 lên 43 triệu đồng năm 2020). Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đạt kết quả toàn diện; bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân cải thiện và từng bước nâng cao.

Quảng Ninh cũng đã có nhiều dự án, nhà máy được triển khai, đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng bình quân 13% năm, giá trị sản xuất tăng hơn 40 lần. Số doanh nghiệp tăng từ 23 năm 1995 lên 252 doanh nghiệp năm 2020; đã hình thành nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm làng nghề như: Khu công nghiệp Tây bắc Quán Hàu, Cụm công nghiệp Áng Sơn, cụm công nghiệp, làng nghề thị trấn Quán Hàu... Các ngành nghề truyền thống về sản xuất tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển.

Hoạt động thương mại - dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm. Mạng lưới kinh doanh, thương mại dịch vụ phát triển nhanh chóng đến tận vùng sâu, vùng xa. So với năm 1990, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng nhanh, tăng 17,6%/năm; các dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng... không ngừng được mở rộng.

Đến nay Quảng Ninh đã có hệ thống giao thông, thủy lợi, dân dụng khá đồng bộ. Điện lưới quốc gia đã về khắp các khu dân cư, hệ thống điện được đầu tư nâng cấp và đảm bảo 100% dân số được dùng điện lưới và điện năng lượng mặt trời.

Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; hạ tầng các cụm, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Cụ thể như du lịch tâm linh tại khu Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Bến phà Long Đại; du lịch sinh thái tại cụm Hồ Rào Đá - Chùa Non núi Thần Đinh, khe Nước Lạnh; du lịch biển tại Hải Ninh… Đặc biệt, các dự án trọng điểm như Khu Du lịch nghỉ dưỡng FLC tại Hải Ninh, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng - Sân Golf DIC Star Đồng Hới đang được đẩy mạnh triển khai sẽ là những dự án động lực đưa nền kinh tế huyện bứt phá trong tương lai.

Tạo đà bứt phá trong tương lai

Những thành tựu trong 30 năm qua mới chỉ là bước đầu, dù vậy, cũng đủ để mở ra một hướng đi mới cho huyện Quảng Ninh.

Về kinh tế, dưới góc độ không gian và lĩnh vực: Khu vực ven sông, ven biển, từ Lương Ninh, lên Quán Hàu, Võ Ninh, Gia Ninh và Hải Ninh sẽ phát triển nhanh là động lực phát triển trong thời gian tới. Quá trình phát triển này sẽ gắn liền với các đại dự án, gắn liền với quá trình đô thị hóa và gắn với sự phát triển của thành phố Đồng Hới.

Khu vực các xã ở vùng giữa sẽ tiếp tục có sự phát triển khá. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, phải quyết tâm đầu tư và thông tuyến đường nối từ Trường Xuân đi Trường Sơn, qua đó, sẽ giúp cho 2 xã miền núi phát triển nhanh và vững chắc. Một điều đặc biệt là, Đại Trường Sa, dải cát dài, nóng bỏng, khô cằn và Long Đại Giang, con sông hung dữ một thời sẽ là nguồn lực mới cho Quảng Ninh trong tương lai.

Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, với các đại dự án tại Hải Ninh và vùng ven sông, Cồn Soi, Cồn Nổi kết nối với di tích, danh thắng như Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại, chùa Non núi Thần Đinh, Khe Nước Lạnh, hệ thống hang động… và du lịch cộng đồng ở Trường Sơn sẽ là hướng phát triển kinh tế mới, nhanh và bền vững cho Quảng Ninh trong tương lai.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với điện gió ở Hải Ninh và Gia Ninh, ở Vạn Ninh và vùng phía tây, thủy điện theo công nghệ mới ở thượng nguồn sông Long Đại sẽ mang lại nguồn thu tương đối cho huyện, đồng thời, hỗ trợ phát triển du lịch, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên.

Ngành nông nghiệp trồng lúa với những cánh đồng bát ngát, ngôi làng trù phú sẽ tiếp tục được tìm hướng đi phải tìm tòi, thử nghiệm theo hướng sản xuất quy mô lớn để giảm chi phí, phải xây dựng thương hiệu để tăng giá trị, phải gắn với thị trường, gắn với phục vụ du lịch.

Nguồn: Vietnam Business Forum