BÌNH ĐỊNH

Bình Định: Đột phá trong thu hút đầu tư

10:13:01 | 8/9/2020

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bình Định là tỉnh duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt tăng trưởng dương và mức tăng cao hơn trung bình cả nước; trong đó lĩnh vực thu hút đầu tư gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ nền tảng thành công này, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư vào các dự án then chốt thuộc các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch - dịch vụ, đô thị, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin....

Sức hút khó cưỡng

Nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường biển khá hoàn chỉnh với 5 tuyến quốc lộ; trong đó QL19 nối cảng biển quốc tế Quy Nhơn với các tỉnh Bắc Tây Nguyên và vùng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế Đức Cơ, Bờ Y, là một trong những con đường trong hệ thống "trục ngang" ở miền Trung, tạo liên kết Đông - Tây, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển với bên ngoài. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư tuyến đường Sân bay Phù Cát – Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, Canh Vinh - Quy Nhơn, tuyến QL19 mới, tuyến ven biển kết nối các vùng, KKT. Đặc biệt, Bình Định có cảng biển quốc tế Quy Nhơn, cảng Thị Nại và Tân cảng miền Trung rất thuận lợi cho phát triển kinh tế cảng biển và logistics.

Nhơn Hội mạnh mẽ chuyển mình

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại Bình Định tháng 8/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "miền Trung đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hoặc không bao giờ." Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ban lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định cần phải "vận động mạnh mẽ" hơn để đón bắt cơ hội bứt phá "thay da đổi thịt".

Theo định hướng phát triển chung của tỉnh Bình Định, KKT Nhơn Hội sẽ trở thành động lực phát triển của Quy Nhơn, là đầu tàu kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về phía Nam. Theo đó, KKT Nhơn Hội đã được điều chỉnh quy hoạch tổng thể từ 12.000 ha lên 14.308 ha, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối tới trung tâm thành phố Quy Nhơn, từng bước dịch chuyển phát triển thành phố về phía Bắc. Theo các chuyên gia, KKT Nhơn Hội có vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đồng thời, nơi đây sở hữu thiên nhiên thơ mộng cùng bản sắc văn hoá lâu đời, rất thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng - mô hình được ví như "tàu con thoi" đưa Nhơn Hội bứt phá.

Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu thông tin, tiềm năng cơ hội đầu tư vào Bình Định tại website: www.binhdinhinvest.gov.vn

Và thực tế đã chứng minh năm 2020, Nhơn Hội đã chuyển mình mạnh mẽ sau khi được mở rộng quy mô và chuyển trọng tâm sang phát triển du lịch. Với sự đầu tư đồng bộ, KKT Nhơn Hội đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế với các dự án nổi bật như: Khu phức hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định, Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhơn Hội 2, dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airway, Khu đô thị biển Kỳ Co Gateway... Với sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua, KKT Nhơn Hội ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung

Tập trung mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu mạnh

Xác định năm 2020 tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, Bình Định đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Dự kiến sau khi dịch Covid-19 chấm dứt, tỉnh sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư tại các nền kinh tế phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Đức, Hoa Kỳ...) hoặc gửi tài liệu tới các buổi xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành tổ chức nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với Bình Định.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư của địa phương cũng được tập trung triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực. Các hoạt động, chương trình được xây dựng bài bản, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh xúc tiến ở nước ngoài, tỉnh đồng bộ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các dự án đã được cấp phép; tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiến độ dự án.

Đối với thu hút đầu tư trong nước, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 45 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 10.057 tỷ đồng. Riêng thu hút vốn FDI, 6 tháng đầu năm tỉnh Bình Định cấp GCNĐKĐT cho 1 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 434.782 USD, đưa tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên 81 dự án với tổng vốn đăng ký 628,19 triệu USD; trong đó có 33 dự án trong KKT và khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đăng ký 490,7 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 237,49 triệu USD. Việc giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án FDI được triển khai thường xuyên. Hầu hết các dự án đều thực hiện khá đầy đủ, đúng tiến độ. Tỉnh liên tục rà soát, đôn đốc việc thực hiện, và chấm dứt các dự án không triển khai... Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành thường xuyên tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư về năng lượng mặt trời, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Từ đây đến hết năm 2020, tỉnh sẽ tổ chức mời gọi đầu tư các dự án: Khu vui chơi Phú Hậu - Cát Tiến; KKT Nhơn Hội; khu vực suối nước nóng Hội Vân thuộc Tiểu khu 1 và Tiểu khu 2. Tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư vào các dự án then chốt thuộc các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch - dịch vụ, đô thị, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu và một số quốc gia phát triển khác để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và các dịch vụ kèm theo, tạo tiền đề hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Nguồn: Vietnam Business Forum