GIA LAI

7 giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của Gia Lai

15:10:36 | 31/12/2019

Từ năm 2016 đến nay, Gia Lai đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh 454 dự án, tổng vốn đăng ký 694.118 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 có 66 dự án, vốn đăng ký 22.257 tỷ đồng). Mặc dù vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh Gia Lai thực hiện 7 giải pháp sau:

1.    Phối hợp cùng các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin trực tiếp và đưa tin hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư, cơ sở dữ liệu đầu tư lên trang thông tin điện tử để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, tra cứu; tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; nhất là việc hỗ trợ hoàn thành các thủ tục, xác định giá đất, giải phóng mặt bằng… Triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

2.    Tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm, chuyên nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư.

3.    Triển khai nghiêm túc Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và dịch vụ bưu chính công ích; Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá kêu gọi đầu tư.

4.    Tỉnh đã và sẽ tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư. Tập trung nâng cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI thông qua việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Pleiku. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên quan việc đanh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, định hướng năm 2019 và những năm tiếp theo, các chính sách liên quan đến Khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp cho phù hợp yêu cầu quản lý tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI.

5.    Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát các vướng mắc của các dự án để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể chỉ đạo các sở ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Đôn đốc các nhà  đầu tư triển khai dự án đúng quy định, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm, không triển khai thực hiện theo đúng nội dung cam kết. Hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

6.    Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ là hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả; Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại cấp huyện thông qua việc phát huy vai trò các tổ công tác xúc tiến đầu tư mỗi huyện, thị xã, thành phố Pleiku để từ đó làm đầu mối kêu gọi đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.

7.    Định hướng và mục tiêu về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong thời gian tới là chọn lọc, tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đồng thời chú trọng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước, các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu… đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực như:  Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, năng lượng; lĩnh vực nông, lâm nghiệp; lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch.