5 năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Gia Lai vẫn là một trong những địa phương tạo được chuyển biến trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 7%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.541 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán Trung ương giao. Đạt được kết quả trên, không thể không nhắc tới những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Mở rộng liên kết, liên doanh
Xác định đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư là bước đột phá quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh, Gia Lai đã tổ chức nhiều hình thức kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chi tiết, thiết thực theo từng dự án. Đồng thời, chủ động “gõ cửa” để mời gọi trực tiếp các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, có thương hiệu trong chuỗi giá trị quốc gia hoặc toàn cầu. Ngoài việc duy trì các hội nghị kêu gọi, xúc tiến đầu tư hằng năm, Gia Lai chủ động liên kết, coi các nhà đầu tư đến từ TP.Hồ Chí Minh là những nhà đầu tư tiềm năng và có chiến lược lâu dài. Sau 15 năm triển khai kêu gọi đầu tư giữa hai địa phương, đã có 26 nhà đầu tư của TP.Hồ Chí Minh đầu tư 27 dự án vào Gia Lai với tổng số vốn hơn 6.300 tỷ đồng ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, thương mại,… Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) từ Gia Lai đã đầu tư 22 dự án vào TP.Hồ Chí Minh.
Năm 2018, công tác xúc tiến đầu tư của Gia Lai đạt kết quả khả quan nhất, mở ra nhiều cơ hội cho DN, nhà đầu tư. Toàn tỉnh có 58 dự án được phê duyệt, trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.800 tỷ đồng, trong đó, có 42 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với số vốn thực hiện gần 5.100 tỷ đồng. Đơn cử như dự án nhà máy chế biến nước ép trái cây tại Mang Yang (vốn đăng ký 247 tỷ đồng), nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê (vốn đăng ký 125 tỷ đồng); nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại An Khê (vốn đăng ký 160 tỷ đồng),…
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai ký biên bản ghi nhớ với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 15.320 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tỉnh tiếp nhận 36 dự án với tổng kinh phí hơn 10,6 triệu USD, năm 2018 vừa qua đã có 8 dự án triển khai với tổng kinh phí giải ngân 300 nghìn USD.
Bên cạnh đó, Gia Lai được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về công nghiệp năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời. Triển khai theo hướng này, hiện Tập đoàn TTC và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhà máy điện mặt trời TTC Krông Pa trên diện tích hơn 70 ha, công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 103 triệu kW giờ/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 47 nghìn hộ dân và giúp giảm phát thải khí CO2 khoảng 29 nghìn tấn/năm. Việc xác định đối tượng đầu tư, mở rộng liên kết, liên doanh có thể nói đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai.
Hướng đến sự hài lòng của nhà đầu tư
Quyết liệt cải cách hành chính, công khai minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và DN góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh là quyết tâm của các ngành, các cấp. Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan thủ tục nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Đến nay, tất cả 53 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện; 201 đơn vị cấp xã đã công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết: Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia đã giúp giải quyết công việc thông suốt, kịp thời hiệu quả, nhất là đơn giản hóa quy trình và giảm những tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, DN đến giao dịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chủ động bố trí nguồn nhân lực, vật lực tại “bộ phận một cửa điện tử”; rà soát, thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra những yếu kém trong cải cách hành chính; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực dễ gây bức xúc trong dư luận như đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai,…
“Đáng chú ý, lần đầu tiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ động làm biên bản ghi nhớ với nhiều sở, ngành cam kết, nếu hồ sơ đầu tư của DN đầy đủ sẽ yêu cầu giải quyết xong trong thời gian sớm nhất so với luật định. Việc này được UBND tỉnh theo dõi chặt chẽ, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố tình gây ách tắc tiến độ chung”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết thêm.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng hết sức quan tâm, xác định khâu đột phá là công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy quy mô, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với cộng đồng DN để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của DN, từ đó, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay cho DN trong những vấn đề có liên quan lĩnh vực đầu tư.
Ông Hồ Phước Thành cho biết: Các thủ tục liên quan DN phải được giải quyết nhanh gọn trong ngày là phương châm của mô hình dịch vụ hành chính công của Gia Lai. Theo đó, thời gian hoàn thành hồ sơ thành lập mới DN là hai ngày (hồ sơ thành lập xong đã có con dấu; mã số thuế; số tài khoản ngân hàng...), hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là một ngày.
Ngoài ra, Sở cũng triển khai và vận hành hệ thống cấp mã số DN tự động; kết nối mạng với các cơ quan hải quan, kho bạc, tài chính,... Mô hình này được coi là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ công nhanh, gọn, hiệu quả cho DN, giúp giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho các DN khi đăng ký kinh doanh và nhận giấy phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, trong đó, tiến độ thu hút, kêu gọi các dự án vẫn còn chậm, mà nguyên nhân chính vẫn là các vấn đề thuộc về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc giao nhận đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều ách tắc, nhiêu khê,…
Thấy rõ những bất cập này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã cam kết: Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ quyết tâm tận dụng hết tiềm năng, “dư địa” phát triển để thu hút, cùng sẻ chia và đồng hành với các nhà đầu tư đến Gia Lai. Trong kế hoạch những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên, ưu đãi đối với DN đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; ngành nghề chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các dự án nông nghiệp trọng điểm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch - sinh thái gắn với nền văn hóa nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Phan Hòa (Vietnam Business Forum)