Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 129/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019, với sự điều hành sát sao của các cấp chính quyền, nỗ lực cao của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai trong 2019 đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Nhiều chỉ hoàn thành và vượt kế hoạch
Ngay từ những ngày đầu năm 2019, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đôn đốc các sở, ban ngành, các địa phương triển khai các nhiệm vụ kế hoạch năm. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đôn đốc các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới; có giải pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đẩy nhanh công tác xoá đói, giảm nghèo; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Về nông nghiệp, diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt 514.752 ha, đạt 99,2% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực 9 tháng ước đạt 324.029 tấn. Diện tích gieo trồng đảm bảo so với kế hoạch đề ra, các nhóm cây lương thực, cây thực phẩm giữ ổn định diện tích; các cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, tiêu,... chỉ tập trung trồng tái canh trên diện tích bị sâu bệnh, già cỗi, năng suất thấp, hướng đến phát triển bền vững, ổn định diện tích đi đôi với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: đã có 58 xã đạt 19 tiêu chí; 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 60 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 57 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; bình quân 1 xã đạt được 12,8 tiêu chí.
Về công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm ước tăng 7,56% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện 15.013,7 tỷ đồng, bằng 71,08% kế hoạch, tăng 8,44%. Khu Công nghiệp Trà Đa thu hút thêm 3 dự án với tổng vốn đăng ký 140 tỷ đồng và chấm dứt hoạt động đầu tư 1 dự án. Hiện có 50 nhà đầu tư triển khai 55 dự án (có 4 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 2.128 tỷ đồng; trong đó 38 dự án đã đi vào hoạt động. Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thu hút thêm 6 dự án với tổng vốn đăng ký 16,9 tỷ đồng và thu hồi chủ trương đầu tư 2 dự án. Hiện có 26 nhà đầu tư triển khai 32 dự án, tổng vốn đăng ký 401,7 tỷ đồng, có 10 dự án đã đi vào hoạt động, tổng doanh thu ước đạt 373,8 tỷ đồng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 47,97 triệu USD, giảm 32,8%.
Về thương mại - xuất nhập khẩu: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm ước đạt 49.521,8 tỷ đồng, bằng 72,5% kế hoạch, tăng 15,56% so cùng kỳ. Nhìn chung lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và cung ứng kịp thời đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong dịp lễ, tết. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,15% so với tháng 8, tăng 0,55% so với cùng kỳ, tăng 1,09% so với cuối năm 2018.
Thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 3.306,4 tỷ đồng, bằng 73,42% dự toán Trung ương giao, bằng 67,41% dự toán HĐND tỉnh giao (bằng 66,13% kế hoạch phấn đấu), giảm 1,04% so với cùng kỳ. Có 12/17 địa phương có số thu đạt và vượt kế hoạch.
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực bước đầu phát huy hiệu quả, tỉnh đã ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DCCI).
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Kế hoạch triển khai NQ 139/NQ-CP về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp để chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Chính quyền tỉnh luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm, góp phần quảng bá sản phẩm; tổ chức đối thoại định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai. Các sở, ngành, địa phương đã cung cấp hơn 2.044 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 2; 326 thủ tục mức độ 3 và 126 thủ tục mức độ 4. Đã thực hiện chuyển giao 5 Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ UBND cấp huyện sang Bưu điện huyện (Ia Grai, Mang Yang, Chư Sê, Krông Pa và Pleiku), bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm có 28 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.236 tỷ đồng. Có 80 dự án được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện, với tổng vốn đăng ký khoảng 31.000 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch 12 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 805 MWp và 22 dự án điện gió, với công suất 3.418,4 MW; đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 20 dự án điện mặt trời, với tổng công suất dự kiến 3.095,5 MWp và 44 dự án điện gió với công suất dự kiến 6.311 MW.
Tuân Hoàng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI