BÌNH ĐỊNH

Thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

10:27:35 | 8/9/2020

“Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp tỉnh Bình Định hiện nay”- ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã khẳng định trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Vietnam Business Forum. Nguyễn Bách thực hiện.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp CNC mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Ông có thể đánh giá khái quát về những mô hình này?

Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp tỉnh Bình Định hiện nay. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng CNC, như: cây hoa mai An Nhơn, cây hoa cúc Tuy Phước, một số vùng sản xuất rau toàn tại Tuy Phước, Tây Sơn, An Nhơn, Vĩnh Thạnh; dừa và các sản phẩm từ dừa tập trung ở Hoài Nhơn; cây bưởi da xanh ở Hoài Ân.

Về chăn nuôi, cơ bản đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung, như: bò sữa của Vinamilk, lợn ở Hoài Ân, bò lai ở An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thanh; gia cầm ở Tuy Phước. Về thủy sản, bước đầu ứng dụng CNC trong khai thác và bảo quản sản phẩm khai thác sau thu hoạch trên biển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, công nghệ men vi sinh; công nghệ PCR chẩn đoán chính xác mầm bệnh trên tôm ở mức độ gen (DNA/RNA)… trong sản xuất tôm post thẻ chân trắng chất lượng cao.

Về lâm nghiệp, đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao: công nghệ nuôi cấy mô với các dòng keo lai, bạch đàn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.

Việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Cụ thể, trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư là công ty hàng đầu về gà giống tại Việt Nam đang chiếm hơn 10% thị phần gà giống cả nước. Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cung cấp ra thị trường từ 1,4-1,8 triệu con giống/tháng; khoảng 15-18 triệu con giống/năm.

Trong lĩnh vực thủy sản, nổi bật có Công ty Cổ phần Việt-Úc Bình Định (Tập đoàn Việt Úc) sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Đặc biệt, Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm với quy mô 300 ha đất trong tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Mỹ Thành, Phù Mỹ.

Xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư khá lớn, do vậy muốn khuyến khích nông dân, các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng CNC thì Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi. Đối với tỉnh Bình Định thì sao?

Nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp CNC, UBND tỉnh đã ban hành Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025; phê duyệt Danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các quy hoạch theo từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi. Phê duyệt các Đề án chuyển đổi cây trồng cạn trên đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang cây trồng khác có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Quy định Tiêu chí Khu sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC và tiêu chí khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng CNC tại Bình Định.

Trong thời gian tới, để tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC tại địa phương, tỉnh Bình Định sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào?

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNC, sạch, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt. Trong đó, tập trung vào thâm canh lúa hàng hóa, chuyển đổi cây trồng cạn (lạc, ngô, vừng, rau màu), phát triển các vùng rau, hoa, quả chuyển canh.

Tiếp tục xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC; xây dựng khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân thành vùng chăn nuôi CNC của tỉnh. Ứng dụng CNC để xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng giá trị cao. Đầu tư công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC) cho rừng trồng sản xuất.

Đầu tư các máy móc hiện đại trên tàu khai thác; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản thủy sản; nhân rộng chuỗi liên kết khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ theo công nghệ của Nhật Bản; tiếp tục xây dựng và phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum