BÌNH ĐỊNH

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu vượt 6 tỷ USD

10:18:51 | 8/9/2020

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, qua đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nhiều dấu ấn tích cực

Giai đoạn 2016 -2020, ngành Công Thương Bình Định tăng trưởng ấn tượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng từ 7,5 – 7,8%/năm. Giá trị SXCN đến năm 2020 ước đạt 48.050 tỷ đồng, tăng 51% so năm 2015 và tăng 6,7% so với năm 2019; tổng giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 206.131 tỷ đồng, đạt 95,5% so với kế hoạch Nghị quyết đề ra (Kế hoạch Chương trình hành động: 215.897 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%/năm (Nghị quyết đề ra 10,6%/năm). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 324.592 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,3%, vượt 2,4% so với kế hoạch (7,9%). Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 4.146,2 triệu USD, đạt 92,1% kế hoạch KNXK giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 6,7%/năm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là mũi nhọn đột phá

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, ngành Công Thương Bình Định xác định ưu tiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để tập trung hỗ trợ. Tính chung giai đoạn 2016-2019, giá trị SXCN đạt 151.301 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giải quyết việc làm cho khoảng 102.784 lao động, chiếm 93,4% so toàn ngành.

Nhiệm kỳ 2021 -2025, Bình Định phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD.

Xuất phát từ thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ (khoáng sản, lâm sản và thủy sản), cùng với lợi thế về nguồn nhân lực, hệ thống giao thông, ngành công nghiệp chế biến Bình Định phát triển chủ yếu một số ngành như: chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản, khoáng sản; may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn... Trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư được 240 DN chế biến gỗ với công suất trên 345.000 container/năm, 2 triệu tấn dăm gỗ và 1,2 triệu tấn viên gỗ nén, giải quyết việc làm cho khoảng 24.000 lao động; gần 60 nhà máy sản xuất hàng may mặc với công suất trên 40 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động; 90 DN khai thác, chế biến đá các loại với công suất 76.000 m3 đá khối, 2,3 triệu m2 đá granite và 1 triệu m3 đá xay, giải quyết việc làm khoảng 7.000 lao động... Có thể nói riêng ngành chế biến gỗ và may mặc đã giải quyết việc làm cho 70% lao động tại các DN của ngành công nghiệp và chiếm 68% KNXK của cả tỉnh (riêng xuất khẩu gỗ - lâm sản chiếm trên 50%)...

Kế thừa những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, giai đoạn 2021 -2025, Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Các chỉ tiêu cụ thể đề ra: Giá trị SXCN (giá thực tế) phấn đấu năm 2025 ước đạt 76.700 tỷ đồng, tăng 59,6% so năm 2020, tổng giai đoạn 5 năm 2021-2025 ước đạt 321.100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 9,8%/năm. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội phấn đấu năm 2025 ước đạt 123.500 tỷ đồng, tăng 64,6% so năm 2020; tổng giai đoạn 5 năm 2021-2025 ước đạt 496.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu năm 2025 ước đạt 1.400 tỷ USD, tăng 36,5% so năm 2020; tổng giai đoạn 5 năm 2021-2025 ước đạt 6.030 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 7,6%/năm.

Nỗ lực CCHC

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã thường xuyên quán triệt và cụ thể hóa những chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn.

Lãnh đạo Sở xác định CCHC là một trong những công việc trọng tâm góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành. Bên cạnh thực hiện tốt công tác CCHC, Sở Công Thương quan tâm các phản ánh kiến nghị, góp ý của tổ chức, cá nhân và DN trong tỉnh để kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao các chỉ số như PAPI, SIPAS PCI... nhằm nâng cao cải thiện chỉ số CCHC tại đơn vị.

Nguồn: Vietnam Business Forum