BÌNH ĐỊNH

Ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm

10:22:18 | 8/9/2020

Xác định "hạ tầng giao thông đi trước một bước", tỉnh Bình Định luôn dành ưu tiên hàng đầu cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, qua đó vừa tháo gỡ các điểm nghẽn vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh nhà theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định – ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết thời gian qua các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đã được các cơ quan, ban ngành Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh như: dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam; nâng cấp, mở rộng Tuyến QL 1…Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh (Tuyến QL 19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL 1); nâng cấp, mở rộng QL.1D (đoạn ngã 3 ngã ba Long Vân đến Bến xe liên tỉnh); nâng cấp đường phía Tây tỉnh (ĐT.639B) đoạn Km130 ÷ Km137+580;...) và một số dự án giao thông trọng điểm khác cũng đã tiến hành các bước đầu tư xây dựng.

Đến thời điểm hiện nay, các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh đã và đang thực hiện đầu tư đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Các dự án giao thông trọng điểm hình thành đưa vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao chất lượng lẫn khối lượng vận chuyển hàng hóa, kết nối nhanh đến các trung tâm hành chính, khu du lịch trong tỉnh, vùng và quốc tế... Nhờ vậy mà những năm gần đây diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã có sự chuyển biến rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực, đưa Bình Định tự tin vươn lên khẳng định vị thế tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo chia sẻ của ông Hoàng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, ngành GTVT Bình Định đã rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành. Tuy nhiên để đảm bảo phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn theo quy hoạch, đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc đa dạng các nguồn lực là rất cần thiết. Do vậy, những năm qua ngành GTVT Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các nguồn xã hội hóa hay các nguồn hỗ trợ, vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), vốn ODA hoặc hình thức đối tác công tư (PPP)... Có thể kể đến một số dự án trọng điểm trên địa bàn sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách hay có kết hợp với ngân sách tỉnh như: đường Điện Biên Phủ nối dài (theo hình thức PPP); dự án tái thiết sau thiên tai từ nguồn vốn vay WB với giá trị hơn 1.300 tỷ đồng; dự án tuyến QL 19 mới từ nguồn hỗ trợ Trung ương, tổng mức 4.411 tỷ đồng…Hiện Sở GTVT đang phối hợp với các ngành, tham mưu UBND tỉnh huy động nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) hay từ nguồn vốn vay WB để thực hiện dự án phát triển tích hợp thích ứng - tỉnh Bình Định,...

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: nguồn lực để thực hiện đầu tư các dự án giao thông vẫn còn yếu và thiếu; việc huy động nguồn lực xã hội hóa chưa cao, hình thức PPP chưa thực sự hiệu quả; trình tự, thủ tục để tiếp cận, giải ngân các nguồn vốn WB, ODA còn kéo dài; việc đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm còn chậm tiến độ, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Ðể tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đối với các dự án giao thông trọng điểm, Sở GTVT Bình Định đang xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhóm dự án. Cụ thể đối với nhóm các dự án đang thi công, Sở sẽ phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ; tập trung quyết liệt trong công tác GPMB, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn. Ðối với nhóm dự án chuẩn bị thực hiện các thủ tục đầu tư, trong giai đoạn huy động nguồn vốn, Sở sẽ phối hợp các ngành nghiên cứu kỹ hành lang pháp lý, các giải pháp rút gọn, tinh giản trình tự thủ tục để qua đó tham mưu UBND tỉnh sớm huy động cũng như dễ dàng hơn trong tiếp cận, giải ngân các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ từ Trung ương. Tích cực tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tăng cường thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Nguồn: Vietnam Business Forum