Được thành lập từ năm 2001, trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nguồn tôm giống ổn định, chất lượng cao cũng như các sản phẩm phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản, nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu và nâng tầm Tôm Việt.
Cung cấp nguồn tôm giống ổn định và chất lượng cao
Bình Định là một trong những địa phương có chất lượng tôm nuôi cao nhất nước. Sản lượng tôm nuôi nước lợ hàng năm khoảng 7.100 tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng chiếm đến 94%; tôm sú chỉ 6%. Toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm là 1.833 ha; quy hoạch đến năm 2020 là 1.923 ha.Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, Việt – Úc đã lựa chọn Bình Định là khu vực để xây dựng và phát triển ngành tôm khu vực miền Trung với khu sản xuất giống chất lượng cao Việt – Úc Bình Định và khu Nuôi tôm công nghệ cao Việt – Úc Phù Mỹ.
Nếu nhìn toàn chuỗi ngành tôm từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm thương phẩm, tôm đã qua chế biến thì việc đầu tư cho phân khúc tôm bố mẹ là đầu tư công nghệ đỉnh cao của ngành. Với tôm thẻ chân trắng, trước đây chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào nhập ngoại, điều này sẽ gây ra một số bất lợi: một là nguồn cung hạn chế, lúc cao điểm sẽ không đáp ứng đơn hàng và thậm chí rủi ro cho cả ngành nếu không còn nguồn nhập; thứ hai là giá cao, thứ ba là chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến tôm giống. Như vậy, sự lệ thuộc quá lớn, không thể chủ động nguồn tôm bố mẹ đã khiến người nuôi tôm ở Việt Nam phải trả giá rất đắt mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dưới sự hợp tác chiến lược với Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Úc là Viện CSIRO, bắt đầu từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị tiên phong đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ các cơ quan Nhà nước có uy tín cũng như từ phía Viện CSIRO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức cho phép Việt Úc đưa tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam. Việc chủ động nguồn tôm bố mẹ giúp sản xuất ra nguồn giống có tỷ lệ sống vượt trội, sức đề kháng cao và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Tôm giống Việt – Úc trong suốt nhiều năm qua đã được người nuôi tôm đánh giá cao về tính thích nghi tốt, sự tăng trưởng nhanh, đồng đều về kích cỡ lớn của con giống, qua đó góp phần nâng cao năng suất và hiệu suất lợi nhuận cho bà con nuôi tôm.
Hiện nay Tập đoàn đã xây dựng hệ thống 9 khu sản xuất giống trải dài từ Nam đến Bắc, trong đó, khu sản xuất giống tại Bình Định có diện tích 8 ha, công suất 5 tỷ giống/ năm, là nơi cung cấp được nguồn tôm giống chất lượng cho bà con nuôi tôm tại địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Bên cạnh việc tạo ra con giống chất lượng, Tập đoàn Việt – Úc luôn trăn trở để tìm ra giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho toàn ngành. Một giải pháp mà Tập đoàn đưa ra đó chính là hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Tại Bình Định, Khu NNUDCNC Việt - Úc Phù Mỹ bắt đầu xây dựng từ năm 2017, với diện tích 300 ha và dự kiến mở rộng lên đến 406 ha, công suất dự kiến đến 2025 là 30.000 tấn/năm. Đặc biệt hơn, để phát triển bền vững ngành tôm địa phương, bên cạnh khu giống, khu nuôi tôm thương phẩm, Tập đoàn Việt - Úc sẽ khép kín chuỗi với Nhà máy chế biến xuất khẩu được xây dựng liền kề với diện tích 20 ha. Nhà máy chế biến sẽ được tự động hóa tối đa dây chuyền sản xuất trên 70%, ứng dụng các công nghệ tối ưu từ các quốc gia hàng đầu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, BRC...
Trong khu này, hiện nay Tập đoàn đang triển khai các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, điển hình là mô hình nuôi tôm STC trong nhà màng. Mỗi nhà màng được xây trên diện tích 1 ha, chi phí đầu tư 8 – 9 tỷ đồng. Nhà màng có 14 ao nuôi với diện tích 500m2/ao; xung quanh còn được xây nhiều công trình phụ trợ khác như ao lắng, ao thải, nhà máy xử lý khí, nhà máy phát điện, hồ xử lý nước, đường nội bộ… Đầu năm 2018, Công ty Việt – Úc Bình Định đã triển khai thả nuôi tôm thương phẩm trong 6 ao, mỗi ao thả từ 300 – 500 con giống/m2. Kết quả nuôi thu hoạch 4 ao, đạt sản lượng đạt 2 tấn/ao/500m2, tương đương 40 tấn/ha, cao hơn năng suất tôm nuôi bình thường gấp 5 – 7 lần. Không dừng lại ở đó, Công ty còn mạnh dạn đầu tư thiết bị cho tôm ăn tự động. Thiết bị này có cảm biến đặt dưới ao nuôi, có thể “cảm nhận” được khi nào tôm dưới ao muốn ăn và lập tức phun thức ăn cho tôm. Nhờ đó, thức ăn cho tôm được tiết kiệm tối đa và không làm ô nhiễm nguồn nước. Tiếp đến là 14 hạng mục đầu tư phải đạt mức 6 tỷ đồng/1 hạng mục và chất lượng tôm nuôi ít nhất phải đạt tiêu chí VietGAP hoặc những tiêu chí cao hơn.
Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết, việc xây dựng Khu NNUDCNC trong nhà kính tại Bình Định thể hiện quyết tâm hiện thực hóa khát vọng “Nâng Tầm Tôm Việt” của Tập đoàn. Quy trình công nghệ hiện đại như mô hình nuôi trong nhà màng cho phép đáp ứng tốt nhất các yêu cầu kiểm soát ở mức cao nhất về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và tương lai, đảm bảo tôm nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển tốt nhất. Nhờ vậy, tôm tăng trưởng nhanh, không nhiễm vi khuẩn gây bệnh và không có dư lượng các hóa chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng, nên được các công ty chế biến tôm trong nước và trên thế giới đề xuất hợp tác thu mua với giá cao.
Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã góp phần cung cấp sản lượng tôm ổn định cho ngành. Đồng thời, giá trị con tôm được nâng lên bởi truy xuất được nguồn gốc, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, Tập đoàn Việt - Úc đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần cùng tỉnh hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước, cũng như từng bước nâng cao giá trị và chất lượng ngành tôm trong chuỗi giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó, gắn kết các mô hình nuôi tôm với phát triển du lịch bằng khu trình diễn, tham quan quy trình sản xuất tôm công nghệ cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch.
Nguồn: Vietnam Business Forum