THỪA THIÊN - HUẾ

Trường Đại học Y Dược Huế: Xây dựng mô hình Trường - Viện chuẩn quốc tế

15:11:17 | 12/11/2020

Năm 2020, trong không khí phấn khởi đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng kết quả đạt chuẩn 4 sao trên Bảng xếp hạng đại học “University Performance Metrics” (UPM- Khảo sát của Đại học Quốc gia Hà Nội), tập thể thầy - trò – y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược Huế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, đồng thời xúc tiến các chương trình xây dựng, phát triển mô hình Trường - Viện đạt chuẩn quốc tế.

Phát triển mô hình “Trường - Viện” đẳng cấp

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/9/2009 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong bảo tồn di sản, phát huy giá trị văn hoá. Đó là cơ sở để ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Nghị quyết 54-NQ/TW, Trường Đại học Y Dược Huế được xác định: Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế…

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mô hình “Trường - Viện” là mô hình lồng ghép các nhiệm vụ quản lý, chuyên môn và mang nhiều lợi ích. Trước hết, đặc thù đào tạo ngành Y luôn phải gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, nhất là thực hành lâm sàng nên yêu cầu phải có các buồng, phòng thí nghiệm và giường bệnh. Hơn thế, nghiên cứu khoa học về sức khỏe cũng cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa người thầy giáo và thầy thuốc. Ngoài ra, phát triển mô hình “Trường - Viện” còn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, phát huy nguồn nhân lực y tế sẵn có và tiết kiệm nguồn lực xã hội. Mô hình lý tưởng Trưởng khoa, bộ môn của Trường cũng là Trưởng khoa của Viện, giảng viên cũng là thầy thuốc.

Ở các quốc gia phát triển châu Âu, Hoa Kỳ,…mô hình “Trường - Viện” xuất hiện từ hơn một trăm năm trước, hiện vẫn phát triển mạnh; còn tại Việt Nam hình thành cách đây hơn 20 năm và Trường Đại học Y Dược Huế từ năm 1998. Hơn 2 thập niên qua, Bệnh viện Trường luôn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đào tạo, thực hành, nghiên cứu và khám chữa bệnh; các học viên, sinh viên của Trường được thực tập một cách toàn diện tại đây; hơn thế do là cơ sở y tế công lập nên bệnh nhân khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ 95%…Những nền tảng này giúp Trường thuận lợi để xây dựng thành công mô hình Trường - Viện trong những năm tới.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy cho biết thêm: Tháng 10/2019, Trường Đại học Y Dược Huế là cơ sở đào tạo đầu tiên trong khối ngành sức khỏe thực hiện kiểm định 3/9 chương trình gồm Dược học, Điều dưỡng và Y tế công cộng (đạt 33% so với yêu cầu 10% của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong năm 2020, Trường chuẩn bị tiến hành đánh giá chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học theo tiêu chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á). Đặc biệt, 2 chương trình trọng điểm Y khoa và Răng hàm mặt đã được đổi mới từ 2018, khóa đầu tiên tốt nghiệp năm 2024 dự kiến sẽ được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Hiện Trường đang xây dựng lộ trình để sau năm 2024 tiến hành kiểm định qua tổ chức Liên đoàn Y khoa Quốc tế, tạo “giấy thông hành” để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều quốc gia…

Cùng với đổi mới chương trình, Trường cũng đang nỗ lực gắn kết hữu cơ các khoa của Bệnh viện với các đơn vị của Trường; mục tiêu trong giai đoạn 2026 - 2030 nhất thể hóa cơ cấu tổ chức cấp Khoa, Bộ môn giữa Trường và Viện. Điều đáng mừng dù vừa đào tạo vừa khám chữa bệnh nhưng Bệnh viện Trường vẫn luôn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh và an toàn cho cán bộ y tế cùng người dân trong bối cảnh dịch Covid -19 vừa qua.

Mở rộng hợp tác - liên kết

Những năm gần đây, Trường Đại học Y Dược Huế luôn tích cực tìm kiếm, phát triển quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ thông qua nhiều hình thức hợp tác. Cùng với duy trì quan hệ hợp tác với trên 130 trường đại học, bệnh viện đại học và các tổ chức quốc tế, Trường còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị; đón hàng trăm lượt khách từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,…, đồng thời tiếp nhận hàng trăm lượt giảng viên, sinh viên quốc tế tham gia giảng dạy, thực tập lâm sàng và nghiên cứu. Thông qua đẩy mạnh hợp tác đã tăng cường nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực đào tạo và tiềm lực khoa học.

5 năm gần đây, Trường cũng làm việc với nhiều doanh nghiệp, nghiệp đoàn đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Pháp, Đức,…Hiện Trường đang hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực cho một số đối tác Nhật Bản với số lượng 100 sinh viên/năm và tới đây, sẽ tiếp tục mở rộng tới nhiều thị trường cũng như quy mô hợp tác.

Với 63 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Y Dược Huế hiện có 29 ngành, chuyên ngành đại học hệ chính quy và liên thông, 99 chuyên ngành sau đại học với quy mô 12.000 sinh viên, học viên. Hiện Trường đã và đang đổi mới cả nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, cơ cấu ngành nghề đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực y tế cho sự phát triển địa phương, khu vực và cả nước.

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai một số đề án về phát triển kinh tế y tế, trong đó có việc xây dựng khu y tế chất lượng cao. Với kinh nghiệm, tiềm lực sẵn có, Trường đang nghiên cứu một số dự án về khám, chữa bệnh chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng các khu điều dưỡng và chăm sóc người cao tuổi.

Về mô hình điều dưỡng: tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân ngay sau khi xuất viện sẽ được đưa về cơ sở điều dưỡng 10 - 15 ngày để chăm sóc cho đến khi sức khoẻ ổn và trở về gia đình. Đây là giai đoạn trung gian vừa giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân vừa giảm tải cho các bệnh viện. Mô hình này khá phổ biến tại các nước phát triển, nhất là ở châu Âu với rất nhiều trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng. Cùng với đó, Trường cũng nghiên cứu hình thành các khu chăm sóc người cao tuổi theo hình thức các viện dưỡng lão đang phổ biến ở nhiều quốc gia. Đây là các hướng đi có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai cũng như phù hợp với định hướng phát triển kinh tế y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, các mô hình trên đang được Trường nghiên cứu xây dựng các dự án tiền khả thi. Để thực hiện thành công cần có thời gian, lộ trình phù hợp và cần có sự hợp tác, đóng góp nguồn lực, trí tuệ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nguồn: Vietnam Business Forum