THỪA THIÊN - HUẾ

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

14:38:45 | 12/11/2020

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đưa nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt một số kết quả tích cực. Cơ cấu lĩnh vực trồng trọt được điều chỉnh phù hợp theo hướng tập trung tăng diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa chất lượng cao năm 2020 ước đạt trên 17.200 ha, chiếm 31,5% diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 6.780 ha so với năm 2015; vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, ước đến cuối năm 2020 diện tích đạt khoảng 5.437 ha, tăng 1.583 ha so với năm 2015, trong đó diện tích cánh đồng có liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoảng 2.776 ha. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP cũng đang từng bước được triển khai, ứng dụng.

Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng, các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung cách ly khu dân cư, có điều kiện đảm bảo về môi trường và áp dụng CNC, an toàn sinh học đã và đang được đầu tư phát triển với quy mô ngày càng mở rộng. Chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 30% tổng đàn lợn và gia cầm. Hiện nay, tại Khu trang trại thuộc các xã Quảng Vinh và Quảng Lợi huyện Quảng Điền; xã Vinh Thái huyện Phú Vang có các trang trại chăn nuôi lợn và gà quy mô công nghiệp có áp dụng công nghệ bán tự động; mô hình chăn nuôi hữu cơ theo công nghệ của Tập đoàn Quế Lâm.

Lĩnh vực thủy sản tập trung phát triển theo hướng bền vững, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 7.615 ha, tăng 5,3% so với năm 2015; sản lượng ước đạt 17.300 tấn, tăng 14,6% so với năm 2015. Nuôi trồng thuỷ sản chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, tăng cường ứng dụng các quy trình nuôi CNC, thân thiện với môi trường,…

Lâm nghiệp phát triển bền vững theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, tăng tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ. Đến nay, toàn tỉnh có 7.768 ha rừng đạt chứng chỉ FSC. Dự kiến đến hết năm 2020, có thêm khoảng 1.000 - 1.500 ha rừng sẽ được cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên trên 9.000 ha, đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, qua đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm cho ngành lâm nghiệp.

Với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cho thấy, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển ổn định, toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả góp phần làm thay đổi lớn diện mạo nông thôn, nhất là ở các xã đạt chuẩn NTM.

Trong thời gian tới, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại gắn với xây dựng NTM và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP);…

Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản ở nông thôn. Ưu tiên nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh đáp ứng yêu cầu mức đạt chuẩn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM; lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình.

Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 cấp độ: Sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm chế biến và nhóm sản phẩm đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo vùng chuyên canh quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; Phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, kết nối với hệ thống cung ứng nông sản; Tạo dựng thương hiệu nông, lâm thủy sản của tỉnh trong chuỗi giá trị quốc gia, hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế khác biệt, có sức cạnh tranh cao.

Nguồn: Vietnam Business Forum