Tỉnh Thừa Thiên Huế đang trên đà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên có tốc độ đô thị hoá nhanh. Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, ngành Xây dựng đang nỗ lực thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp nhằm nâng cao năng lực tham mưu quản lý về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh nội dung này.
![]() |
Triển khai Nghị quyết 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, ngành Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện những giải pháp nào?
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây là một định hướng rất quan trọng để toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Ngành Xây dựng đang phối hợp với các ngành, địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, xây dựng các đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, phát triển huyện Phong Điền trở thành thị xã, đề xuất các tiêu chí đặc thù về phân loại đô thị, mô hình đô thị, tiêu chuẩn về đơn vị hành chính đối với Thừa Thiên Huế, lập đề án công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương… tham mưu UBND tỉnh trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế có gặp một số khó khăn vì đây là công việc đặc thù, chưa có tiền lệ nên có một số vướng mắc so với quy định pháp luật hiện hành cần được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Do đó, UBND tỉnh đã giao ngành Xây dựng tham mưu xây dựng Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Trong đó, đề xuất cụ thể các tiêu chí đặc thù về phân loại đô thị, mô hình đô thị tiêu chuẩn về đơn vị hành chính đối với Thừa Thiên Huế làm cơ sở cho việc phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính.
TP.Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương sẽ có các điểm nhấn “phát huy di sản Cố đô”, “sinh thái”, “thân thiện môi trường”, “thông minh”… Vậy điều đó được cụ thể ra sao, thưa ông?
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của Thừa Thiên Huế như hiện nay chính là dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa vật chất, tinh thần địa phương đang sở hữu cũng như kế thừa cả các di sản về đô thị vốn dĩ đã được các thế hệ tiền bối sáng tạo và kiến lập nên. Vì vậy, phát triển đô thị Huế theo hướng đô thị di sản cấp quốc gia đặc thù của Việt Nam là điều cần thiết và mô hình này hoàn toàn phù hợp với Thừa Thiên Huế. Các chuyên gia cho rằng: Huế dường như hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một đô thị di sản truyền thống, đó là giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Điều quan trọng là sự đồng thuận và người dân có ý thức về vấn đề xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản, sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo để đề xuất các tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa
đặc sắc và di sản để có cơ sở khoa học, khẳng định một lần nữa để thấy rằng Thừa Thiên Huế là một đô thị thực sự nổi trội về di sản, văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên trên phạm vi cả nước; từ đó đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế.
Các tiêu chí được đề xuất gồm: Vai trò lịch sử và yếu tố di sản trong chức năng đô thị: Số lượng, quy mô di sản, di tích; Yếu tố truyền thống trong đô thị; Vai trò của di sản trong phát triển kinh tế đô thị; Công tác quản lý, bảo tồn di sản. Mỗi tiêu chí đều có vai trò quan trọng để đánh giá tổng hòa các mối quan hệ giữa “di sản” và “ đô thị”. Điều quan trọng hơn, trên cơ sở nền tảng đặc thù về di sản cần đề xuất được các mô hình, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thừa Thiên Huế để xây dựng, phát triển trong tương lai, bảo tồn phát huy được các giá trị văn hóa, di sản.
Trước yêu cầu mới trong quản lý xây dựng và đô thị, ngành đang nỗ lực ra sao?
Trước yêu cầu mới trong quản lý xây dựng và đô thị hiện nay, ngành Xây dựng đang nỗ lực thực hiện các công việc như: Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý nhất là cán bộ quản lý đô thị; cán bộ chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị bộ máy quản lý xây dựng và đô thị cho TP.Thừa Thiên Huế tương lai. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý xây dựng và kiến trúc đô thị, ngành sẽ tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch thuộc cụm đô thị động lực (Huế - Hương Thủy - Hương Trà - Thuận An - Phong Điền), quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, quy hoạch điểm dân cư nông thôn… Ngành cũng nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị. Nâng cao chất lượng công tác quản lý về đầu tư xây dựng từ các khâu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công, giám sát… để nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng.
Nguồn: Vietnam Business Forum
Tháng 6 năm 2023
Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh