Bên cạnh tập trung phát huy nội lực, huyện Chư Pưh xác định thu hút đầu tư là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, trong những năm qua huyện đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm xây dựng Chư Pưh trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Quyết tâm chính trị cộng với sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành đã giúp Chư Pưh thu hút được nhiều dự án đầu tư quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020 và mở ra những triển vọng phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025.
10 năm một chặng đường
Năm 2019 và 2020 đối với huyện Chư Pưh là một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của huyện, cũng là thời điểm nhìn nhận, đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2015 – 2020 từ đó đặt ra mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ mới 2020-2025 trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Với Chư Pưh, là một trong những vùng sản xuất hồ tiêu lớn, trong bối cảnh giá hồ tiêu giảm sâu đã gặp không ít khó khăn, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ ngày thành lập, huyện đã gặt hái được những thành công nhất định.
Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất tăng bình quân 10 năm (theo giá so sánh năm 2010) là 10.67%, tăng 46% so với năm 2010. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 (theo giá hiện hành) đạt 4.992,21 tỷ đồng (tăng 3,7 lần so với năm 2010).
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch hợp lý, theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Cụ thể: tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ chiếm 54% (tăng 14,61% so với cơ cấu kinh tế năm 2010); tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 46% (năm 2010 là 60,41%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40,33 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010).
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo; nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức đã giới thiệu những mô hình hay, có hiệu quả để người dân tham gia liên kết, sản xuất nhân rộng mô hình. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 11 tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây chanh dây với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao; xây dựng được 5 chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gồm: liên kết sản xuất cây nhãn Hương Chi diện tích 118,8 ha, liên kết sản xuất lúa J02 diện tích 152 ha, liên kết sản xuất nghệ sạch diện tích 15 ha, liên kết sản xuất dâu tằm tơ diện tích 22 ha, liên kết sản xuất mít thái diện tích 15 ha; thực hiện dự án phát triển cây có múi thuộc Chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí 10 tỷ đồng cho 22 ha cam CS1, 10 ha bưởi đỏ Hòa Bình. Năm 2019 đã triển khai 10 ha bưởi, 5 ha cam, chuyển đổi diện tích trồng tiêu bị chết sang trồng các loại cây ăn trái, đến nay tổng diện tích đã chuyển đổi là 919,05 ha cây ăn quả các loại.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được huyện quan tâm triển khai và bước đầu có hiệu quả với 5 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định tỉnh đánh giá, xếp hạng, gồm: Viên tinh nghệ đỏ; mật ong, sữa ong chúa Agila; sản phẩm sầu riêng HTX Đại Ngàn; sản phẩm rượu đinh lăng; sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Agila.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã có 6 xã và 6 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo: điện mặt trời và điện gió. Đến nay đã có 15 lượt khảo sát, xây dựng dự án với công suất 1.919 MW với tổng kinh phí đầu tư trên 15.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo, tổng thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt trên 277 tỷ đồng/năm, trong đó thu trên địa bàn trên 48,01 tỷ đồng/năm, đạt 100,5% kế hoạch so với Nghị quyết. Chi ngân sách cơ bản đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ, tổng chi ngân sách bình quân là 273 tỷ đồng/năm, đảm bảo đủ nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển, chi các hoạt động hành chính, sự nghiệp, các chính sách phát triển, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng và cố gắng, kịp thời đáp ứng nguồn thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Vấn đề an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết việc làm... cho nhân dân được quan tâm chăm lo đạt và vượt so với các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đời sống của nhân dân ổn định, công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 4.218 hộ, chiếm 29,05% đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 6,8%. Một số lĩnh vực khác, huyện đều có những bước phát triển rõ nét, tạo tiền đề để huyện tiếp tục phát triển cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, UBND huyện luôn chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp nhờ đó được thuận lợi, thông thoáng. Huyện chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân; giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc; tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn.
Với quyết tâm xây dựng nền hành chính công hiện đại, đến nay bộ phận một cửa từ huyện đến xã đã được trang bị đầy đủ thiết bị như: máy in, máy photocopy có chức năng scan, màn hình tivi phục vụ việc tra cứu các thông tin và hiển thị kết quả giải quyết thủ tục hành chính, máy bấm số thứ tự, bàn ghế, tủ đựng hồ sơ đầy đủ phục vụ công việc. Hệ thống cầu truyền hình trực tuyến được đầu tư có hiệu quả từ huyện đến xã, có 4 điểm cầu các xã đã được trang bị gồm: xã Ia Le, xã Ia Hrú, xã Ia Hla và thị trấn Nhơn Hoà.
Duy trì lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng để tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại tố cáo, đồng thời giúp UBND huyện tiếp thu ý kiến của công dân, chỉ đạo xem xét, kết luận, quyết định giải quyết các vụ việc. UBND huyện cũng tăng cường tiếp và đối thoại với công dân để giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Phát huy tiềm năng
Dù Chư Pưh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng song vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Vì vậy, với tầm nhìn xa hơn, mục tiêu cao hơn, thời gian tới huyện Chư Pưh xác định phải đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, bền vững hơn trên cơ sở phát huy thế mạnh kinh tế nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ chất lượng cao, như: tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, tư vấn. Kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, nhất là phát triển năng lượng điện mặt trời và điện gió.
Đối với cây hồ tiêu, để khắc phục tình trạng vườn cây chết hàng loạt và giá cả bấp bênh, huyện xác định then chốt là phải đầu tư phát triển bền vững. Theo đó, việc đầu tiên là phải sản xuất tiêu sạch, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp thì vấn đề giá cả bấp bênh sẽ được giải quyết căn cơ. Đối với những diện tích đất trồng hồ tiêu không đảm bảo để tiếp tục tái vườn cây thì chuyển đổi sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế tương đương hoặc cao hơn.
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, Chư Pưh có điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế. Tin rằng, trên cơ sở nhận thức tiềm năng và thế mạnh, với quyết sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị; sự góp sức của nhân dân và doanh nghiệp – nhà đầu tư sẽ là những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Chư Pưh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI