QUẢNG NGÃI

Tăng cường hợp tác giữa DN và nhà trường Hướng đào tạo hiệu quả, bền vững

11:07:05 | 15/6/2021

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho người lao động được tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Phát triển mạng lưới, mở rộng ngành nghề, đa dạng trình độ đào tạo

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo thời gian, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt Đề án sáp nhập, hợp nhất nhằm sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh quản lý. Nhìn chung công tác sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập thực hiện theo lộ trình và bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2025; không sáp nhập, giải thể một cách cơ học, chỉ tổ chức sắp xếp nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; bên cạnh đó chú trọng khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, ưu tiên doanh nghiệp (DN) thành lập cơ sở GDNN.


Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi

Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở GDNN, trong đó có: 15 cơ sở công lập và 08 cơ sở ngoài công lập (gồm 06 trường cao đẳng; 04 trường trung cấp; 02 trung tâm GDNN; 06 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; 05 cơ sở đào tạo khác có tham gia dạy nghề).  Không chỉ tăng về số lượng, hệ thống các cơ sở GDNN còn mở rộng ngành nghề và phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo trên cả 3 cấp: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp (tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành công nghiệp trọng yếu như: cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin... và các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao như: du lịch, thương mại…); qua đó khắc phục tình trạng đào tạo những ngành nghề mà mình sẵn có, mang đến nhiều cơ hội cho người có nhu cầu học nghề và cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế.

Tăng cường kết nối với DN

Để hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực,  Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện đào tạo nghề theo các chính sách, Đề án của Chính phủ, của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách đã tham mưu bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người học tạo khung pháp lý để tổ chức, quản lý và triển khai đào tạo theo 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp..; qua đó tạo nền tảng vững chắc để ổn định và phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động. 

Riêng trong giai đoạn 2018-2020, công tác hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện tỉnh đang hỗ trợ trực tiếp cho 1 DN để đặt hàng với Trường Cao đẳng (CĐ) Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi tổ chức đào tạo nghề cho 107 HSSV trình độ cao đẳng, trung cấp theo đơn đặt hàng DN (dự kiến tháng 7/2021, số HSSV này sẽ tốt nghiệp và được tiếp nhận vào làm việc theo cam kết của DN). Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.054 lao động nông thôn nghề phi nông nghiệp (May, Hàn, Điện, Nghiệp vụ du lịch); hỗ trợ đào tạo nghề hàn kỹ thuật cho 24 bộ đội xuất ngũ; hỗ trợ đào tạo 1.345 lao động cho các dự án theo chính sách thu hút đầu tư cho 04 DN... Theo thống kê, trong giai đoạn này trên địa bàn tỉnh có 6.483 HSSV tốt nghiệp tại các cơ sở GDNN trình độ cao đẳng, trung cấp; các đối tượng này có việc làm ngay với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5-6,0 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề (điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí…) có mức lương khá cao từ 10-15 triệu đồng/tháng. Việc gắn kết đào tạo nghề với DN đã góp phần lớn giải quyết việc làm và cung ứng lao động cho DN, nhà đầu tư tại KKT Dung Quất, KCN VSIP, các KCN của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng Nông thôn mới.

Cũng nằm trong mục tiêu chung tăng cường kết nối với DN, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, những năm qua các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả với DN như: phối hợp xây dựng chương trình và tổ chức đánh giá kết quả đào tạo; ký kết đặt hàng đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực cho DN; phối hợp để HSSV tham gia thực tập sản xuất tại DN, qua đó giúp các em có cơ hội được thực hành với những phương tiện, thiết bị hiện đại có thể nhanh chóng hình thành được nhiều kỹ năng cho bản thân và có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tế của công việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, HSSV cũng được tiếp cận với các DN đang có nhu cầu tuyển dụng và do đó sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn.

Theo ghi nhận của bà Ánh Lan, công tác liên kết này thời gian đã cho thấy hiệu quả và từng bước chuyển biến mạnh trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN. Đơn cử như Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đã ký hợp đồng đào tạo, cung ứng nhân lực cho các DN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với số lượng hơn 16.000 người giai đoạn 2018-2020 nên 100% HSSV của trường được cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhờ làm tốt khảo sát nhu cầu sử dụng lao động ở các DN, nhu cầu học nghề của người lao động, các Trường CĐ Cơ giới, Trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi, Trường CĐ Y tế Đặng Thùy Trâm… nhiều năm qua cũng liên tục tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra. “Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo và gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, từ đó nâng cao năng suất lao động cho DN. Với sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề thời gian qua, đặc biệt là tăng cường mối liên kết giữa cơ sở GDNN với DN, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã xác định việc hợp tác gắn bó với DN là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nghề nghiệp tại cơ sở. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà Quảng Ngãi đang chú trọng và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới” – bà Lan nhấn mạnh.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm qua nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp (Website, App – Online); tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm (2 phiên lưu động), mỗi phiên có từ 29 đến 36 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp trực tiếp gặp gỡ các nhà tuyển dụng phỏng vấn tìm việc làm.

Kết quả trong năm Trung tâm đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 20.726 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó số người được giới thiệu việc làm mới 3.754 người, chiếm 51,1% tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề hơn 105,7 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11 triệu đồng.

Nguồn: Vietnam Business Forum