BẠC LIÊU

Huyện Đông Hải: Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

09:38:01 | 16/3/2022

Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, trong 20 năm qua huyện Đông Hải đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và ngày càng bền vững.

Những thành tựu sau 20 năm thành lập

Huyện Đông Hải được thành lập theo Nghị định số 98 ngày 24/12/2001 của Chính phủ, trên cơ sở tách từ huyện Giá Rai và đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2002.


Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Đông Hải, ông Trần Thanh Mến, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện cho biết, khi mới được thành lập, tình hình kinh tế - xã hội của Đông Hải gặp rất nhiều khó khăn: Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 88% trong cơ cấu GDP; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm còn nhiều yếu kém; bình quân thu nhập đầu người đạt 6,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo gần 30%, nhà ở tạm bợ chiếm khoảng 70%. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế còn hạn chế; đội ngũ giáo viên thiếu và yếu; 25% hộ dân không có phương tiện nghe nhìn; cơ sở vật chất, trụ sở làm việc các ban, ngành huyện và các xã còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ cán bộ còn hẫng hụt. Có thể nói, những khó khăn, bất cập nêu trên thật sự là thách thức không nhỏ trước yêu cầu phát triển của huyện.

Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ chính trị Đảng bộ huyện đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.


Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện Đông Hải

Ông Trần Thanh Mến cho biết, trong 20 năm qua, kinh tế của Đông Hải hàng năm đều tăng trưởng. Nếu như năm 2002, tổng sản phẩm xã hội đạt chỉ 1.150 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người 6,8 triệu đồng thì đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm xã hội đạt 9.787 tỷ đồng (tăng gấp 8,5 lần so với năm 2002) và bình quân thu nhập đầu người đạt 63,3 triệu đồng (tăng gấp 9,3 lần so với năm 2002).

Cơ cấu kinh tế của huyện cũng đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Năm 2002, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 88%; công nghiệp, xây dựng 6%; thương mại, dịch vụ chiếm 6% trong GDP; đến cuối năm 2021, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 42%; công nghiệp, xây dựng tăng lên 25,6%; thương mại, dịch vụ tăng lên 32,4%.

Đặc biệt, với những lợi thế từ kinh tế biển, để nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt, sản xuất nuôi trồng thủy sản, những năm qua huyện khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ hiện đại, phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông nội đồng; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất mới... từ đó tình hình sản xuất của huyện có bước chuyển biến tích cực. Sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản tăng dần hàng năm.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển. Năm 2002, toàn huyện chỉ có 16 doanh nghiệp và 62 cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, giá trị sản xuất 59 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2021, có 237 doanh nghiệp, 739 cơ sở sản xuất, giá trị sản xuất đạt gần 1.455 tỷ đồng, tăng 25 lần so với năm 2002. Đặc biệt, nhà máy Điện gió Đông Hải 1, với tổng vốn đầu tư trên 5.500 tỷ đồng đã vận hành, cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp của huyện.

Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngày càng mở rộng, phát triển với trên 6.800 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đi đôi với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục của Đông Hải cũng có nhiều tiến bộ. Giáo dục đào tạo có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất phục vụ khám, điều trị bệnh ở Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Văn hoá, thể dục - thể thao tiếp tục đạt một số kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương luôn được chú trọng. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Quyết tâm trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển

Những kết quả đạt được trong 20 năm là rất đáng tự hào song vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đồng thời, vẫn còn những hạn chế nhất định như: Kinh tế tuy phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu; cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu.

Chia sẻ về định hướng và mục tiêu phát triển của huyện Đông Hải, ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện cho biết trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng và lợi thế kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn. Kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư các dự án phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với điều kiện của huyện, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của huyện; nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 105 triệu đồng trở lên.

“Bên cạnh thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, Đông Hải tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; vận dụng thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của huyện như nuôi trồng thuỷ sản, khai thác đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất con giống, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến muối,...”, ông Tô Minh Đương nói.

Là huyện ven biển, xa trung tâm tỉnh lỵ, đi lên trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng sau 20 năm, nhờ sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và Trung ương, Đông Hải đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, vươn lên sánh vai cùng với các địa phương trong tỉnh. Niềm tự hào hôm nay sẽ là động lực để huyện tiếp tục vững bước tiến lên, quyết tâm xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Nguồn: Vietnam Business Forum

Quang Trung