Tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo các điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp (DN) dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư. Nguyễn Bách thực hiện.
Thời gian qua, Sở TNMT đã có những hành động cụ thể nào nhằm cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất?
Tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng để phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh luôn là điều mà các DN đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PCI 2020 tỉnh Hưng Yên cho thấy, có một số chỉ số giảm điểm so năm 2019, trong đó có chỉ số Tiếp cận đất đai. Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, bất cập còn tồn tại, Sở TNMT đã đề ra nhiều giải pháp hành động cụ thể nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận đất đai.
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở TNMT đã giúp việc UBND tỉnh lập, trình Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Hưng Yên tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 17/4/2018; phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 10 huyện, thị xã, thành phố trong năm 2018; lập Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 cấp tỉnh; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, UBND tỉnh, Sở TNMT và các huyện, thành phố và UBND cấp xã có trách nhiệm công bố công khai theo quy định Luật Đất đai năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018. Tỉnh đã tích cực công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các thông tin đất đai được công khai, minh bạch. Các nhà đầu tư có nhu cầu tra cứu các thông tin về quy hoạch và địa điểm đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng. Tuy nhiên còn tồn tại những bất cập khi quy hoạch các ngành chưa đồng bộ, thống nhất là một trong những hạn chế cho các nhà đầu tư trong tiếp cận các thông tin về đất đai, xây dựng.
Cùng với đó công tác cải cách TTHC về đất đai được đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện. Theo đó, thực hiện Luật Đất đai, các Nghị định hướng dẫn thi hành và các đề án, kế hoạch cải cách TTHC của tỉnh, các thủ tục về đất đai liên tục được rút gọn (thủ tục điều chỉnh thời hạn thuê đất giảm từ 15 ngày đến nay còn 7 ngày, thủ tục giao đất, thuê đất giảm từ 30 ngày còn 20 ngày, thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời với điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giảm từ 30 ngày còn 15 ngày). Các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh đã nhanh chóng tiếp cận thủ tục đất đai, sớm có mặt bằng để đầu tư dự án.
Về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), quan điểm của tỉnh Hưng Yên chỉ thu hồi đất đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, không tích cực triển khai dự án, để quỹ đất lãng phí không sử dụng, vi phạm pháp luật về đầu tư và đất đai… Các nhà đầu tư đã hoạt động ổn định thì tiếp tục được khuyến khích và hỗ trợ để yên tâm đầu tư. Riêng công tác GPMB để thực hiện một số dự án còn kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ của các nhà đầu tư chủ yếu do người dân không đồng tình với phương án bồi thường hỗ trợ hoặc đòi hỏi giá thỏa thuận quá cao. Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh" tại Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dồn thửa đổi ruộng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân theo quy định.
Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, được tỉnh Hưng Yên xác định là một trong những giải pháp quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh. Đối với ngành TNMT, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp và kết quả đạt được trong công tác này?
Nhằm đơn giản hóa, minh bạch hóa, công khai hóa trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân, thời gian qua Sở TNMT luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC, sử dụng nền tảng số trong giải quyết TTHC giúp giảm thời gian, chi phí đi lại của tổ chức, DN; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN và nhà đầu tư trong thực hiện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thường xuyên rà soát TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở TNMT, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC mới ban hành, danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở TNMT.
Việc cung cấp thông tin đối với các TTHC về quy trình, cách thức thực hiện lên cổng thông tin điện tử của Sở và các kênh thông tin về dịch vụ công của tỉnh được Sở TNMT thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch giúp cho người dân, tổ chức, DN dễ dàng tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin liên quan đến TTHC thuộc lĩnh vực TNMT.
Hiện 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TNMT được tiếp nhận và nhập cơ sở dữ liệu trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, giúp người dân, DN có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên phần mềm, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả trên phần mềm hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Sở đã tích cực đẩy mạnh dịch vụ công lên mức độ 3, mức độ 4, trong đó đã thực hiện dịch vụ công mức độ 3 đối với 43 TTHC (53,1%), mức độ 4 đối với 38 TTHC (46,9%). Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, DN nộp hồ sơ trực tuyến đối với lĩnh vực TNMT. Đồng thời, Sở cũng giao chỉ tiêu cho các phòng, đơn vị về số lượng hồ sơ nộp trực tuyến thuộc lĩnh vực của phòng, đơn vị quản lý.
Với mục tiêu đến năm 2023 tỉnh Hưng Yên vào nhóm 45 tỉnh trong bảng xếp hạng PCI cả nước, theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021, Sở TNMT sẽ tập trung vào các giải pháp nào để cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai trong thời gian tới?
Ngày 23/9/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-CTUBND về việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2023 vào nhóm 45 tỉnh trong bảng xếp hạng chỉ số PCI của cả nước, đưa tỉnh Hưng Yên trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần tiếp cận đất đai theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-CTUBND, Sở TNMT xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi nhiệm vụ tại cơ quan; kiên quyết ngăn chặn, xử lý cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, chậm trễ giải quyết TTHC.
Thứ hai, tăng cường phối hợp lập quy hoạch tỉnh, trong đó tích hợp đồng bộ thống nhất các hợp phần quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp trên được duyệt.
Sở TNMT tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC, sử dụng nền tảng số trong giải quyết TTHC giúp giảm thời gian, chi phí đi lại của tổ chức, DN; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN và nhà đầu tư trong thực hiện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. |
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản. Tăng cường rà soát để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các TTHC không còn phù hợp; rà soát, ban hành văn bản bám sát nội dung các văn bản cấp trên, cụ thể hoá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về TNMT. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong ngành TNMT.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh" và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức làm nhiệm vụ GPMB trong công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch, sớm bàn giao cho các nhà đầu tư trên tinh thần luôn luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum