Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề cần được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng.
Thầy Đinh Văn Hoản (trái) Hiệu trưởng nhà trường
Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định được thành lập theo Quyết định 1488/QĐ-BLĐTBXH ngày 15/10/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập 06 trường trung cấp vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định và đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Sau 2 năm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Nhà trường đã nhanh chóng tiến hành kiện toàn bộ máy và các phòng, khoa, trung tâm. Bám sát vào nhu cầu phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà trường đào tạo 11 nghề trình độ cao đẳng, 30 nghề trình độ trung cấp và 36 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Trong các nghề Trường đào tạo, có một nghề cấp độ quốc tế là nghề hàn; cấp độ khu vực ASEAN có 02 nghề là công nghệ ô tô và điện công nghiệp; cấp độ quốc gia là 15 ngành/nghề gồm: Xây dựng và hoàn thiện công trình thuỷ lợi, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, điện tử dân dụng, công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, đúc dát đồng mỹ nghệ, gia công thiết kế sản phẩm mộc, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn.
Nhận thức rõ việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề mang tính sống còn, quyết định đến sự phát triển; khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường đối với xã hội, thời gian qua, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo được xác định là nền tảng cốt lõi, giá trị trung tâm trong mọi hoạt động của Nhà trường.
Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động đào tạo của Nhà trường chính là việc phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình “đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc thực học thực hành và trang bị cho học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại. Mô hình “đào tạo kép” giúp doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo, thuận lợi tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng; đồng thời giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội cho HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường. Trình độ tay nghề của HSSV ngày càng cao, được doanh nghiệp tin tưởng tuyển dụng với tỷ lệ HSSV sau tốt nghiệp có việc làm đạt 100%.
Hoạt động này vừa giúp cho HSSV được củng cố kiến thức chuyên môn đã học tại Trường vừa tạo cơ hội để các em tiếp xúc trực tiếp với môi trường sản xuất công nghiệp cũng như mang lại nguồn thu nhập cho bản thân. Mỗi đợt thực tập trải nghiệm từ 2,5 đến 5 tháng tại các công ty như Công ty CP Kim khí Thăng Long, Công ty Điện lạnh Hòa Phát… đã trang bị thêm cho học sinh, sinh viên nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp…). Mức lương khi đi thực tập từ 3,5 đến 5 triệu đồng cũng giúp các em có thêm thu nhập để chi tiêu hoặc tích lũy. Nhiều em sau đợt thực tập đã tự mua được máy tính, xe máy phục vụ cho việc học và đi lại. Nhiều phụ huynh phấn khởi khi con mình vừa đi học cao đẳng, vừa đi làm có lương nên tránh được nhiều tệ nạn xung quanh và trưởng thành hơn sau mỗi đợt thực tập. Họ yên tâm vì con em được Nhà trường tạo mọi điều kiện ăn học và dạy dỗ, luôn nhận được sự quan tâm của các thầy cô…
Ngoài ra, hàng năm các công ty, tập đoàn trong và ngoài địa bàn tỉnh Nam Định đều trực tiếp liên hệ với Nhà trường để tuyển kỹ thuật viên ngay từ khi HSSV còn đang học năm thứ 2, thứ 3. Họ đã đón nhận hàng trăm HSSV vừa tốt nghiệp đến làm việc tại các công ty với mức lương từ 7 đến 12 triệu đồng/tháng. Vì thế bài toán đầu ra cho HSSV cũng được giải quyết. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) không ngừng được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của Nhà trường. Các đề tài NCKH của các thầy cô giáo và học sinh của Nhà trường đã nhận được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Thầy Đinh Văn Hoản – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định cho biết: Phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tới, Nhà trường tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động “đào tạo kép”. Hoàn thiện việc xây dựng chương trình đào tạo theo sự đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn kết với các cơ sở sử dụng lao động. Duy trì và tăng quy mô đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất và bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo lộ trình của Đề án trường chất lượng cao. Cập nhật công nghệ mới, tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động chủ yếu của Nhà trường, tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong giảng dạy, thực hành sản xuất, dịch vụ kỹ thuật. Triển khai tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ quản lý sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nguồn: Vietnam Business Forum