Với mục tiêu nằm trong nhóm khá về chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông vào năm 2025, Kiên Giang đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tạo cơ sở nền tảng cho chuyển đổi số.
Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 186/KH-UBND ngày 24/12/2020 về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang đang tập trung, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu như: 80% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 được cung cấp đa kênh, đa phương tiện truy cập, đặc biệt là thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kết nối, liên thông hệ thống thông tin tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính quyền số bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp…, góp phần cung cấp dịch vụ công kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Phấn đấu 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành; 50% người dùng điện thoại thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 90% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang đã đề ra 5 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp tạo cơ sở nền tảng cho chuyển đổi số; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số và ưu tiên chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải… Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, nhất là hạ tầng viễn thông tại các nơi biên giới, hải đảo. Nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh, đảm bảo năng lực vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
Hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, trong đó chú trọng các nền tảng quan trọng như: Nền tảng kết nối dịch vụ số hóa; nền tảng định danh điện tử; nền tảng phân tích dữ liệu lớn (Big Data); nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI)….
Đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án số hóa, chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ của cơ quan nhà nước. Đảm bảo 100% các ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Khai trương Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành ngành Y tế tỉnh Kiên Giang
Hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh
Xây dựng chính quyền số, hình thành đô thị thông minh là một trong những nội dung được tỉnh Kiên Giang chú trọng triển khai thực hiện trong quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đẩy mạnh triển khai hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực; xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển dịch vụ số; thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số nhằm cung cấp dịch vụ nền tảng cho toàn bộ hệ thống chính quyền số. Xây dựng ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên thiết bị di động thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.
Trong xây dựng chính quyền số, hình thành đô thị thông minh, tỉnh Kiên Giang chủ trương vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển sản phẩm hàm lượng công nghệ, đổi mới sáng tạo cao tại tỉnh. Triển khai xây dựng đô thị thông minh, tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục…
Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, Kiên Giang có 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
“Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc được trao đổi, xử lý qua môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước”, ông Trung chia sẻ.
Thành Long (Vietnam Business Forum)