KIÊN GIANG

Du lịch Kiên Giang: Khởi sắc sau đại dịch Covid-19

07:43:36 | 7/9/2022

Sáu tháng đầu năm 2022, bức tranh du lịch của tỉnh Kiên Giang cũng đã có những "điểm sáng" rất đáng khích lệ, thể hiện qua lượng khách và doanh thu du lịch tăng mạnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy ngành Du lịch đang dần lấy lại đà phục hồi, phát triển và dự báo sẽ còn tiếp tục gặt hái những thành quả ấn tượng hơn trong thời gian tới. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - ông Bùi Quốc Thái đã chia sẻ cụ thể hơn về những tín hiệu tích cực này. Công Luận thực hiện.


VinWonders Phú Quốc

Ông có thể chia sẻ một số kết quả, hoạt động nổi bật của ngành Du lịch Kiên Giang từ đầu năm đến nay?

Ngay từ đầu năm, ngành Du lịch Kiên Giang đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, qua đó giới thiệu những tài nguyên, sản phẩm du lịch của các địa phương để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm; tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch phục hồi, thu hút du khách nội địa đến Kiên Giang và kế hoạch thí điểm đón du khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng "hộ chiếu vaccine". Đây là những nhiệm vụ quan trọng đánh dấu sự phục hồi và phát triển trở lại của ngành Du lịch Kiên Giang.

Song song đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư của tỉnh cũng được quan tâm đẩy mạnh, góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến với tỉnh và thu hút một số dự án được đầu tư, đưa vào hoạt động. Công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch được quan tâm và phối hợp thực hiện. Kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch được đầu tư khá, chất lượng được nâng lên. Năng lực vận tải, đặc biệt là đường hàng không, đường bộ đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương và du khách.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Kiên Giang đã thu hút được 3,495 triệu lượt khách, tăng 51,2% so với cùng kỳ, đạt 62,4% kế hoạch năm. Trong đó: khách quốc tế ước 46.200 lượt, đạt 23,1% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.978 tỷ đồng, tăng 65,7% so với cùng kỳ, đạt 51,4% kế hoạch năm. Riêng khách đến Phú Quốc ước 2,397 triệu lượt (tăng 50,1% so với cùng kỳ, đạt 36,1% kế hoạch năm), khách quốc tế ước đạt 46.200 lượt (đạt 25,7% kế hoạch năm).

Đại dịch gây tác động tiêu cực lên ngành Du lịch song đồng thời cũng khai mở những hướng đi mới đầy sáng tạo. Với du lịch Kiên Giang, đó là những hướng đi mới nào?

Toàn ngành chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới; thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở tiếp tục thực hiện Hướng dẫn 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh về phục hồi và thu hút du khách nội địa đến Kiên Giang.


Cáp Treo Hòn Thơm

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch phục hồi ngành Du lịch Kiên Giang trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2022 này?

Du lịch Kiên Giang đang phục hồi tốt trong điều kiện bình thường mới. Trong 6 tháng cuối năm 2022, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch phục hồi, thu hút khách nội địa đến Kiên Giang; tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch Kiên Giang đến du khách trong nước và quốc tế; triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động du lịch và vấn đề phát triển du lịch địa phương; đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến khảo sát, kết nối, hợp tác phát triển du lịch; tiếp tục xúc tiến mở thêm các tuyến bay quốc tế, kết nối du lịch đến Kiên Giang.

Cụ thể toàn ngành sẽ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch của Trung ương, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển du lịch. Rà soát các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, đối với các chỉ tiêu đạt thấp tập trung chỉ đạo, điều hành đạt mức cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển du lịch đã đề ra cho năm 2022, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tích hợp nội dung quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017; tổ chức sự kiện du lịch thường niên “Ngày hội du lịch và văn hoá ẩm thực Kiên Giang năm 2022". Triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, truyền thông về các điểm đến du lịch của tỉnh. Tăng cường phối hợp, triển khai các giải pháp về công tác quản lý bảo vệ môi trường du lịch và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để phục hồi, phát triển du lịch sau dịch Covid-19; đặc biệt chú trọng phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền biển, đảo, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, toàn ngành sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

Trước hết, ngành Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch mà Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đề ra. Thứ hai, thực hiện cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh; đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng hình thành chuỗi giá trị du lịch; bảo đảm chia sẻ lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp và du khách được hưởng lợi từ hoạt động du lịch; đầu tư phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Thứ ba, tập trung thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; chú trọng phát triển Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế; đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh như vùng Hà Tiên - Kiên Lương, vùng Rạch Giá - Kiên Hải, vùng U Minh Thượng. Thứ tư, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, chất lượng cao để thu hút du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại Kiên Giang nhiều hơn. Thứ năm, tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường có nguồn khách lớn, chi tiêu cao để gia tăng lượng khách quốc tế đến Kiên Giang, trong đó chú trọng các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và các thị trường khách có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên như Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ...Thứ sáu, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp cùng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển các ứng dụng thông minh hỗ trợ du khách.

 Trân trọng cảm ơn ông!

 (Vietnam Business Forum)