Chặng đường 110 năm hình thành và phát triển (09/02/1913 - 09/02/2023), với truyền thống kiên cường, bất khuất được hun đúc từ quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, sáng tạo, không ngừng phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, phát triển. Hướng về tương lai, với thế và lực mới, Kon Tum vững tin đổi mới, hội nhập, phấn đấu trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu khu vực Tây Nguyên.
Từ những "quả ngọt" trên lĩnh vực kinh tế…
Tỉnh Kon Tum được thành lập ngày 09/02/1913. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai được sáp nhập, chia tách để phục vụ cho nhiệm vụ của cách mạng. Sau khi đất nước giành độc lập và thống nhất, ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai - Kon Tum và thành lập lại 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đến nay, sau 30 năm tái lập, tỉnh đã gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đến cuối năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.851 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 -2020 đạt 9,13%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 31,5 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đến năm 2020 đạt 3.505 tỷ đồng. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Chăn nuôi có bước phát triển, chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao. Nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng trưởng khá.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 150 triệu USD. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, giải trí,... có bước phát triển. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện, trong đó đã cho chủ trương đầu tư một số dự án phát triển du lịch sinh thái, nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác, lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm. Các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực tiếp tục được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và được đầu tư phát triển. Công tác quy hoạch từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tốt, đúng định hướng tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương.
Các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông. Nhiều công trình, cụm công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Năm 2020, có 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Đến nay có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển, đời sống của các thành viên được cải thiện. Hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực, đã tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, một số nước châu Á và châu Âu nhằm thu hút đầu tư các nguồn lực nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh của Kon Tum, tạo cơ hội trong thu hút đầu tư.
... đến những "điểm sáng" trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
Cùng với những thành tựu kinh tế nổi bật, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng ghi nhận những “điểm sáng” tích cực. Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc được khôi phục, bảo tồn và phát huy; một số nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tiếp tục được khôi phục, phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đạt kết quả, có 587/1.045 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 56%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 74%. Chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là 52%.
Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 90,6%. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,05%/năm.
Cùng với đó, tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đúng quy trình, quy định góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của UBND và các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên, nhất là trong việc điều hành ngân sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; cơ chế một cửa - một cửa liên thông cơ bản hoạt động hiệu quả; đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh với 1.357 thủ tục được giải quyết, đạt tỷ lệ 95% trên tổng số thủ tục hành chính cấp tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai xây dựng, thực hiện Hệ thống thông tin điện tử và cổng dịch vụ công 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Phong trào thi đua yêu nước, vận động do các cấp, ngành phát động được nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng và ngày càng phát huy hiệu quả.
Trải qua 110 năm lịch sử, kể từ khi được chính thức thành lập, với truyền thống kiên cường, bất khuất được hun đúc từ trong quá trình xây dựng và bảo vệ vùng đất của cha ông, Kon Tum đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tỉnh nhà ngày càng ổn định, phát triển. Tự hào với thành quả to lớn, với thế và lực mới, toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm "Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững", góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)