HÀ NAM

Quy hoạch phát triển không gian đô thị tỉnh: Tạo yếu tố mới mang tính đột phá

15:22:52 | 9/3/2023

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam với phóng viên Vietnam Business Forum về Quy hoạch phát triển không gian đô thị tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân

Ông có thể cho biết những điểm nhấn căn bản trong Quy hoạch phát triển không gian đô thị tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Tỉnh Hà Nam nằm tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông liên kết vùng thuận lợi với các trục quốc lộ, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa; việc hình thành tuyến Vành đai 5 Thủ đô kết hợp với tuyến đường Thái Hà - Hưng Hà kết nối với quốc lộ 10 và Cảng quốc tế Hải Phòng là yếu tố mới mang tính đột phá. Từ đó, hình thành nên trục liên thông Đông Tây mới, mang lại động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Quy hoạch phát triển không gian đô thị tỉnh Hà Nam cùng với phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Hội đồng thẩm định Quốc gia. Trong đó, tổ chức phát triển không gian toàn tỉnh theo hướng xanh, thông minh và bền vững, phát triển không gian đô thị tập trung theo các hành lang phát triển, bố trí hợp lý các cụm đô thị - công nghiệp, hình thành các nêm xanh để kiểm soát về không gian; kiểm soát chặt chẽ quỹ đất phát triển đô thị đảm bảo về môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Tỉnh Hà Nam đang được định hướng phát triển thành vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ có cấu trúc đa trung tâm, nhiều tầng bậc, nằm trong chuỗi đô thị động lực với vai trò chia sẻ, hợp tác, liên kết các chức năng trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, hướng tới phát triển tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. TP.Phủ Lý đóng vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội, hạt nhân phát triển KT - XH của tỉnh Hà Nam và TP.Hà Nam trong tương lai với các trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thương mại cấp vùng. Các đô thị Duy Tiên, Kim Bảng là các trung tâm phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch cùng với TP.Phủ Lý hình thành tam giác phát triển của vùng, trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực phía Nam vùng Thủ đô Hà Nội. Các địa bàn còn lại đều đã xác định các mục tiêu cụ thể trong định hướng phát triển đô thị, trong đó khu vực Thanh Liêm là đô thị công nghiệp; Lý Nhân là vùng kết hợp đô thị, công nghiệp và nông nghiệp với trọng tâm phát triển công nghệ cao; Bình Lục là vùng nông nghiệp kết hợp công nghiệp gắn với phát triển đô thị.

Phát triển không gian kinh tế gắn liền với duy trì, phát triển các không gian văn hóa - xã hội. Đảm bảo không gian quy hoạch tổng thể Khu lịch quốc gia Tam Chúc, không gian bảo tồn đa dạng sinh học với Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Voọc mông trắng, gắn bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên với nghiên cứu, phát triển, khai thác sử dụng bền vững phục vụ du lịch sinh thái. Tiếp tục thu hút các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu tại Khu Đại học Nam Cao, gắn với thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân, trọng tâm phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học,…; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.


Bản đồ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Nhằm cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Hà Nam theo Chương trình số 2114/Ctr-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh Hà Nam, ngành Xây dựng tỉnh đã thực hiện những giải pháp nào?

Với chỉ số thành phần được giao trong mục tiêu nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Hà Nam đến năm 2025 theo Chương trình số 2114/Ctr-UBND ngày 16/8/2021 là Tiếp cận tài liệu quy hoạch trong Chỉ số tính minh bạch, Sở Xây dựng đã và đang triển khai các giải pháp chính như sau:

Một là, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lập và lưu trữ các đồ án quy hoạch, số hóa hệ thống bản đồ quy hoạch, chuẩn hóa định dạng dữ liệu làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch, để mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tra cứu. Sở Xây dựng đã hoàn thành dự thảo Đề án Xây dựng CSDL quy hoạch, đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và CSDL quy hoạch là nòng cốt, được thực hiện đồng bộ để trong năm 2023 có thể hình thành dữ liệu cho các đô thị trung tâm trên địa bàn tỉnh, công khai minh bạch thông tin quy hoạch.

Hai là, việc minh bạch thông tin được thực hiện từ ngay trong quá trình tổ chức lập quy hoạch với việc công khai toàn bộ quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các tài liệu, hồ sơ quy hoạch; thực hiện đầy đủ các quy trình lấy ý kiến, tổ chức, cá nhân cộng đồng dân cư liên quan đến đồ án quy hoạch.

Bên cạnh đó, ngành Xây dựng tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với mục tiêu giảm chi phí tuân thủ TTHC cho doanh nghiệp; triệt để thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cập nhật các bộ TTHC, cải tiến quy trình làm việc và không ngừng nâng cao trình độ, phương pháp giao tiếp của cán bộ, công chức với công dân, doanh nghiệp.

Những kỳ vọng của ngành đặt ra cho năm 2023 là gì, thưa ông?

Bước qua một năm 2022 đầy biến động, năm 2023 dự báo tiếp tục là một năm có nhiều thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam nói chung và của ngành Xây dựng tỉnh Hà Nam nói riêng. Ngành Xây dựng tỉnh Hà Nam đã đặt ra các mục tiêu và xây dựng kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa các kỳ vọng được đặt ra:

(1) Công tác quy hoạch tiếp tục đi trước một bước, không ngừng nâng cao chất lượng, tiến độ cũng như công khai minh bạch các tài liệu quy hoạch. Phấn đấu phủ kín quy hoạch phân khu đô thị và các khu chức năng, tạo cơ sở thu hút đầu tư phát triển.

(2) Tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, hoàn thành công nhận đô thị Kim Bảng đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Kim Bảng, đưa tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên trên 45%, vượt trên tỷ lệ đô thị hóa trung bình toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng.

(3) Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết hợp xanh hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trước mắt hoàn thành các trục giao thông chính kết nối với các tỉnh trong vùng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 02 nhà máy nước liên vùng, xây dựng hệ thống cấp nước kết nối liên đô thị có độ an toàn, ổn định cao phục vụ sinh hoạt và sản xuất; xây dựng các công viên, hồ điều hòa đô thị với quy mô lớn đáp ứng yêu cầu cải thiện cảnh quan và môi trường sống đô thị.

(4) Thu hút phát triển thành công các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân với chất lượng cơ sở hạ tầng, không gian cảnh quan, công trình nhà ở không thua kém các dự án nhà ở thương mại bên cạnh việc tiếp tục phát triển các khu đô thị, các khu nhà ở chuyên gia. Thông qua đó, góp phần tạo môi trường sống tốt thu hút lực lượng đông đảo chuyên gia, người lao động đến sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Nam.         

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Loan (Vietnam Business Forum)