Với quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương, tỉnh Hà Nam đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua đó khơi thông các nguồn lực, tạo đà bứt phá trong các năm tiếp theo. Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Năm 2022, tỉnh Hà Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế. Ông có thể cho biết rõ hơn các kết quả này?
Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh cùng những nỗ lực của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam đã thực hiện đạt, vượt 16/17 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Nổi bật như: GRDP đạt 46.065 tỷ đồng, tăng 10,82% so với cùng kỳ năm 2021 (cao thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 12 của cả nước); GRDP bình quân/người 87,0 triệu đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước 13.860 tỷ đồng, bằng 95,6% so với cùng kỳ, đạt 112,8% dự toán Trung ương giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 39.508 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ…
Nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp là tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết đối với nhà đầu tư,… Qua đó góp phần tạo giá trị toàn ngành đạt 176.274 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021.
Hoạt động thương mại - dịch vụ dần lấy lại đà tăng trưởng với tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ đạt 40.963 tỷ đồng, tăng 30,5%. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 10,21 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 5,55 tỷ USD, tăng 13,4%. Ngành du lịch thu hút 3,1 triệu lượt khách, tăng 23,0% (3.011.400 khách nội địa lượt và 142.100 khách quốc tế), doanh thu đạt 2.152 tỷ đồng, tăng 31,0% so với cùng kỳ và vượt 21,0% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định với giá trị sản xuất đạt 8.434 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2021. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có từ 06 - 08 xã/13 xã hoàn thành, đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Ông có thể cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh Hà Nam?
Năm 2023, trên cơ sở đánh giá các yếu tố thuận lợi và thách thức, tỉnh đặt ra 16 chỉ tiêu chủ yếu: GRDP đạt 50.764,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022; thu ngân sách đạt 13.454 tỷ đồng, tăng 2,4%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%, tăng 0,4%; toàn tỉnh có ít nhất 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu,…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trước mắt là xây dựng kế hoạch tổ chức công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025,… Năm 2023, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các công trình, dự án trọng điểm giao thông, thương mại, du lịch, đô thị,…
Hà Nam cũng tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị, tăng cường quản lý thị trường bất động sản; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xanh theo quy mô lớn, tập trung gắn với chế biến nông sản theo chuỗi giá trị bền vững. Phát triển đa dạng hoạt động thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh CCHC và chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 là rất nặng nề nhưng với quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin tưởng Hà Nam sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tạo đà bứt phátcho cả giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được tỉnh quan tâm, triển khai ra sao, thưa ông?
Công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững được Hà Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tất cả cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.
Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hà Nam giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1823/QĐ-UBND ngày 15/11/2016); đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện lồng ghép với kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm. Với sự nỗ lực không ngừng, kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực: Việc xây dựng, thi hành pháp luật được quan tâm, chỉ đạo sát sao; thủ tục hành chính (TTHC) và nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm; từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số. Đặc biệt, có những chỉ số thành phần nằm trong nhóm Khá của cả nước.
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong các khâu đột phá phát triển. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu: Đến năm 2025 đưa PCI của tỉnh Hà Nam vào top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn và từng năm; rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá 01 lần/năm; quan tâm đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp,…
Theo ông, Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ mở ra các tiềm năng, lợi thế và cơ hội thu hút đầu tư ra sao?
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh Hà Nam hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2023. Quy hoạch đã xác định: Hà Nam sẽ phát huy tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 đạt tối thiểu 10,4%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 12,0%, và cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt 11,2%; GRDP năm 2025 đạt 117 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 269 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 574 nghìn tỷ đồng,…
Tỉnh xác định tập trung vào 05 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; công nghệ cao; khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị tạo động lực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao,…
Hà Nam sẽ tổ chức không gian kinh tế theo 03 vùng gồm: Vùng đô thị trung tâm - dịch vụ chất lượng cao - công nghiệp công nghệ cao - đào tạo nguồn nhân lực (toàn bộ TP.Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và một phần huyện Thanh Liêm) định hướng là khu vực phát triển mật độ cao; Vùng đô thị - sinh thái - công nghiệp (phía Tây sông Đáy, phần lớn thuộc địa bàn huyện Kim Bảng và khu vực phía Tây sông Đáy của huyện Thanh Liêm) định hướng phát triển hài hòa giữa đô thị, công nghiệp với duy trì không gian nông nghiệp; kết hợp giữ gìn cảnh quan sinh thái đặc trưng với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Ngoài ra, Vùng cảnh quan nông nghiệp - công nghiệp, công nghệ cao (các huyện Lý Nhân, Bình Lục và khu vực phía Đông huyện Thanh Liêm) duy trì diện tích đất và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn; hình thành khu vực phát triển đô thị, công nghiệp tại Bắc Lý Nhân và dọc quốc lộ 21A, 21B tại huyện Bình Lục.
Quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ mở ra nhiều tiềm năng, lợi thế cạnh tranh mới. Do vậy, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư tích cực khảo sát, nghiên cứu, hợp tác nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực đưa doanh nghiệp và Hà Nam phát triển mạnh mẽ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI