Tỉnh Hà Nam đang tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng kết nối, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính (TTHC),… nhằm chuẩn bị điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn vào các khu công nghiệp (KCN). Ông Trần Văn Kiên - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã có chia sẻ với Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết những nét khái quát nhất về sự phát triển của các KCN tỉnh Hà Nam hiện nay; đâu là “điểm sáng” và “hạn chế” nổi bật?
Theo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hà Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Văn bản số 469/TTg-CN ngày 03/4/2017) tổng diện tích quy hoạch các KCN của tỉnh là 2.534ha.
Cho đến nay, Hà Nam có 08 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Thái Hà giai đoạn I, Đồng Văn IV, Châu Sơn, Hòa Mạc và Thanh Liêm) với tổng diện tích 2.193ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 1.560,3ha. Các KCN này đều đã được xây dựng cơ bản đồng bộ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư với diện tích đã cho thuê 1.258,4ha, đạt tỷ lệ 80,6%.
Lũy kế đến tháng 12/2022, tại các KCN có 527 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 315 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4.845 triệu USD và 212 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 41.605 tỷ đồng.
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp đã dần đi vào hoạt động ổn định và có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng như đóng góp vào ngân sách địa phương. Cụ thể là:
Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) qua các năm đều tăng nhanh trên hai con số: Giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 52,6%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tăng 27,6%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 31,8%/năm; năm 2021 tăng 16,8% và năm 2022 tăng 14,2%; qua đó góp phần đưa tỷ trọng SXCN của KCN ngày càng lớn so với giá trị SXCN toàn tỉnh (hiện trên 82,0%).
Về nộp ngân sách: Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp cho ngân sách địa phương tăng đều trên hai con số/năm: Giai đoạn 2006 - 2010 đạt 729,6 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4.229,8 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15.217,0 tỷ đồng; năm 2021 đạt 5.970 tỷ đồng và năm 2022 đạt 5.600 tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN cũng tăng nhanh với hai con số: Giai đoạn 2006 - 2010 đạt 286,9 triệu USD; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2.473 triệu USD; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9.905 triệu USD; năm 2021 đạt 3.654 triệu USD và năm 2022 đạt 4.884 triệu USD.
Song bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các KCN còn một số hạn chế như: Tiến độ đầu tư, hiệu quả sử dụng đất của một số dự án còn thấp; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các cam kết khi đầu tư, đặc biệt là cam kết về đóng góp ngân sách cho địa phương, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) dẫn đến phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm dừng sản xuất.
Hà Nam sẽ trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao là định hướng quan trọng trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số chia sẻ của ông về tầm nhìn này? Ban đã, đang tham mưu ra sao nhằm cụ thể hóa chủ trương trên?
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển như sau:
Đến năm 2025, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng Đồng bằng Bắc bộ; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035.
Đến năm 2050, thành phố Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố phát triển hiện đại, là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Để cụ thể hóa chủ trương nêu trên, Ban quản lý các KCN tỉnh đã và đang triển khai một số nhiệm vụ sau:
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới các KCN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN và kêu gọi các nhà đầu tư, các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao về đầu tư tại các KCN trên địa bàn.
Một vài đánh giá của ông về kết quả nổi bật trong 02 thập niên thành lập Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam (kể từ tháng 10/2002)?
Sau 20 năm thành lập, Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã ngày càng phát triển, lớn mạnh cùng với sự phát triển, mở rộng của các KCN trên địa bàn.
Các KCN của tỉnh đã không ngừng được mở rộng về quy mô diện tích; các doanh nghiệp trong KCN ngày càng tăng về số lượng và dần đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư, môi trường, quy hoạch xây dựng, doanh nghiệp, lao động ngày càng nâng cao hiệu quả.
Hạ tầng các KCN đã từng bước được đầu tư mở rộng, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, bước đầu đã thu hút được các dự án đầu tư có chất lượng.
Công tác XTĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đạt hiệu quả cao. Các dự án thu hút vào trong các KCN cơ bản phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và vượt mục tiêu đề ra theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các quy định về môi trường, lao động,… Đến nay, tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh đều vận hành có hiệu quả trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo chất lượng nước trước khi xả ra môi trường.
Các chỉ tiêu kế hoạch năm đều có bước tăng trưởng tốt, đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Hiệu quả SXKD của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, thể hiện bằng các chỉ tiêu kinh tế như giá trị SXCN, giá trị xuất khẩu, việc làm và đặc biệt là đóng góp ngân sách.
Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng giá trị SXCN, đóng góp ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tại các KCN ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị SXCN, thu ngân sách và xuất khẩu của cả tỉnh.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN trong tình hình mới, tỉnh Hà Nam và Ban quản lý các KCN đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư với những nội dung thiết thực, hoạt động cụ thể hơn. Vậy đâu là nét mới, điểm nhấn nổi bật, thưa ông?
Xây dựng và cập nhật thường xuyên tài liệu phục vụ cho công tác XTĐT. Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các KCN tỉnh Hà Nam bằng nhiều kênh quảng bá tại các khu vực trọng điểm thu hút đầu tư FDI như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, XTĐT. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam.
Phối hợp, tham gia, đồng hành cùng các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai đầu tư xây dựng KCN, tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Thu hút, huy động xã hội hóa nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ công nhân lao động, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài.
Phối hợp, đôn đốc các ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy xây dựng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như điện, nước, dịch vụ viễn thông,… hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động.
Phối hợp với các tổ chức, đơn vị cung ứng nhân lực chuyên nghiệp để tuyển dụng lao động, nhất là nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI