Từ một tỉnh có nền giáo dục kém phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đến nay mạng lưới cơ sở giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã phát triển rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học được đến trường. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Kạn chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum xung quanh những nỗ lực này.
Ông có thể cho biết thêm về những chuyển biến căn bản của ngành GD&ĐT Bắc Kạn sau hơn 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2023)?
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường còn khó khăn, thiếu thốn. Trải qua hơn 25 năm phát triển sau ngày tái lập, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Hiện nay, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa mầm non đạt 65%, tiểu học đạt 53%, trung học đạt 81%. Cơ sở vật chất đáp ứng để 100% trường mầm non và 99,1% trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, PTDT bán trú được thành lập đã giúp học sinh là con em dân tộc thiểu số được học tập, ăn ở và sinh hoạt. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 107/288 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm 37,2%). Cảnh quan môi trường trường học được quan tâm xây dựng xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.
Về đội ngũ, những ngày đầu mới tái lập tỉnh cán bộ quản lý còn thiếu, số giáo viên chưa được chuẩn hóa còn cao. Đến nay, ngành đã có lực lượng đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên với hơn 6.500 người; công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đẩy mạnh.
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua đều đạt trên 95%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (giao >90%); chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao; công tác huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo đến trường được quan tâm thực hiện (trẻ nhà trẻ từ 0 đến 2 tuổi ra lớp đạt 33,39%; huy động trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt 99,57%; huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100%). Công tác giáo dục toàn diện được quan tâm thực hiện.
Trường THCS Bắc Kạn đã được Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng mới đưa vào sử dụng từ năm học 2022-2023
Ông có thể cho biết công tác cải cách hành chính (CCHC) được quan tâm triển khai ra sao nhằm góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số?
Ngay từ năm 2018, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ
học sinh, giáo viên kết quả kiểm tra đánh giá,... trên cả hai hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành và CSDL vnEdu của tỉnh, từng bước ứng dụng toàn diện hệ thống giáo dục thông minh. Đã triển khai toàn diện cho 100% các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh: Học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, sổ đăng bộ; phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá trường chuẩn quốc gia; hệ thống quản lý sổ kế hoạch cho cấp học mầm non; ứng dụng trên điện thoại thông minh (vnEdu Teacher) cho giáo viên và ứng dụng sổ liên lạc điện tử cho học sinh và phụ huynh học sinh (vnEdu connect); hệ thống lịch công tác trực tuyến,... đang tiếp tục triển khai phần mềm quản lý thư viện, phần mềm quản lý hồ sơ giáo dục điện tử và một số phân hệ phần mầm khác trên hệ thống giáo dục thông minh.
Ngoài ra, ngành cũng phối hợp cùng Microsoft cung cấp 100% tài khoản Microsoft Teams cho toàn bộ học sinh và giáo viên các trường Tiểu học, THCS và THPT để phục vụ công tác dạy trực tuyến đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Triển khai đăng ký tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn trực tuyến. Tổ chức chấm thi, công bố điểm, xét tuyển sinh trên hệ thống trực tuyến. Tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp THCS và THPT, thi nghề phổ thông, xét tốt nghiệp THCS hoàn toàn trực tuyến, dữ liệu được lấy từ CSDL của ngành.
Đặc biệt năm 2021, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã tiên phong triển khai thành công phần mềm và ứng dụng trên điện thoại thông minh việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Cao đẳng, Đại học hoàn toàn trực tuyến, giúp học sinh hạn chế được sai sót hồ sơ, cán bộ làm công tác tuyển sinh không cần nhập dữ liệu từng học sinh vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT. Đến năm 2022, Bộ GD&ĐT mới triển khai hệ thống đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trực tuyến (Bắc Kạn thực hiện trước 1 năm).
Khen thưởng 17 học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Phủ Thông, huyện Bạch Thông, năm học 2021-2022
Đầu năm học 2022-2023, nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập trường (Tháng 8/1996 ở Đồi Thông, nay là UBND tỉnh) và 25 năm tái lập tỉnh, Trường THCS Bắc Kạn (TP.Bắc Kạn) đã vinh dự tiếp nhận ngôi trường khang trang, sạch đẹp cùng các trang thiết bị cơ bản đảm bảo cho việc dạy và học. Đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho cả cô và trò Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu để liên tục nhiều năm liền đứng đầu và trụ vững trong top dẫn đầu cấp học toàn tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt năm học 2020-2021, Trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thái Hà chia sẻ: “Nhà trường chân thành biết ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành, địa phương, Trung ương và xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu đưa chất lượng giáo dục của Trường đạt thành tích cao hơn nữa,...”. |
Để tạo động lực phát triển ngành và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của Bắc Kạn, ông có đề xuất gì với tỉnh và Trung ương?
Mặc dù đã được Trung ương và tỉnh quan tâm, nhưng để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhiều trường trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp;... Vì vậy, ngành GD&ĐT Bắc Kạn mong muốn được Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm:
(1) Đầu tư kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất trường học, nhất là đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018.
(2) Không thực hiện cắt giảm biên chế giáo viên, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền để đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nhất là đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018.
(3) Có chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa đảm bảo yên tâm công tác và cống hiến tốt cho ngành, từng bước có chính sách đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên là người địa phương.
(4) Tiếp tục thực hiện tốt và có chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong quản lý, công tác dạy và học.
Giáo án điện tử được thiết kế và trình chiếu trên thiết bị điện tử trong tiết học của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Sông Cầu, TP.Bắc Kạn
Tiền thân là trường Cấp I Bắc Dương, đến tháng 01/1994, Trường được tách thành hai là Trường Tiểu học Đức Xuân và Trường Tiểu học Sông Cầu. Đến năm 2005, Trường được Chính phủ Nhật Bản viện trợ xây mới 01 dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, đến tháng 01/2012, được sự quan tâm của ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp của thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố), phụ huynh học sinh,... Trường đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy và học. Nhờ đó, cùng sự cố gắng phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, Trường Tiểu học Sông Cầu đã đủ các tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia mức độ I vào tháng 12/2012. Đến nay, năm học 2022-2023, số lượng lớp học đã tăng lên: 27 lớp, với 926 học sinh và 42 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; năm 2023, nhà trường đang tiến hành rà soát, thực hiện các bước đề nghị công nhận lại đạt chuẩn mức độ I Quốc gia (lần thứ 2). Hiệu trưởng Đào Thị Phương cho biết: Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trường cũng đã từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng so với các trường trong thành phố. Hàng năm, Trường đều có giáo viên tham gia Hội thi Giáo viên giỏi, Giáo viên Chủ nhiệm lớp giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và đạt thành tích cao. Có nhiều lượt cán bộ, giáo viên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh;... Ngoài ra, có nhiều em đạt giải học sinh “Viết chữ đẹp” cấp thành phố. Nhà trường còn tạo sân chơi cho học sinh thử sức qua các cuộc thi: Giải toán qua Internet, tiếng Anh trên Internet; Trạng Nguyên tiếng Việt,...Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%; chất lượng giáo dục đại trà ổn định và giữ vững từ 99% trở lên. |
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)