TIỀN GIANG

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

14:13:21 | 15/1/2024

Nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số,… là những giải pháp được ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tiền Giang tích cực triển khai. Qua đó, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai

Tiếp cận đất đai là một trong 10 chỉ số thành phần trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), là chỉ số quan trọng đánh giá khả năng thu hút đầu tư, được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành TN&MT tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao đạo đức công vụ; công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, công dân. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số, phối hợp liên thông, kết nối điện tử về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai,... góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các thủ tục về đất đai.

Đặc biệt, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cải cách TTHC là bước đột phá, Sở đã thực hiện cập nhật kịp thời công bố các TTHC thuộc lĩnh vực ngành quản lý; công khai tất cả các TTHC trên Cổng thông tin điện tử của Sở và một cửa điện tử của tỉnh gồm 110 thủ tục, trong đó, trực tuyến một phần: 57 thủ tục; toàn trình: 37 thủ tục; số hóa 100% hồ sơ giải quyết TTHC. Định kỳ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, năm 2023 đã đăng ký rà soát 09 thủ tục (lĩnh vực đất đai 05 thủ tục; môi trường 02 thủ tục; tài nguyên nước, khoáng sản và biển 02 thủ tục).

Sở cũng đã tích hợp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tiền Giang, hiện đang vận hành, khai thác trên Hệ thống phần mềm VBDLIS và đã kết nối với Đề án 06 và công khai chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư .

Bên cạnh đó, duy trì và cải tiến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan.  Thống kê kết quả khảo sát, thăm dò sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp năm 2022, đánh giá 6/6 tiêu chí đều đạt tỷ lệ hài lòng (50%) và rất hài lòng (50%), không có tiêu chí nào nhận đánh giá không hài lòng (0%).

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang cho biết: Việc thực hiện cải cách TTHC không chỉ góp phần tiết giảm thời gian, chi phí mà còn nâng cao Chỉ số “Tiếp cận đất đai” cho tổ chức, doanh nghiệp và góp phần thu hút đầu tư.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận, giải quyết các TTHC về lĩnh vực tài nguyên, môi trường như sau: Hồ sơ nhận mới là 155.900 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang là 2.827 hồ sơ; đã giải quyết 157.602 hồ sơ, trước hạn 133.801 hồ sơ (tỷ lệ 85%), đúng hạn 22.237 hồ sơ (tỷ lệ 14.1%), quá hạn 1.464 hồ sơ (tỷ lệ 0.9%); đang giải quyết 1.125 hồ sơ. Thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích được 74.082 giấy. Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện kê khai đăng ký là 31.600 hồ sơ. Chuyển thông tin địa chính thửa đất sang cơ quan thuế 102.421 phiếu.

Vì một Tiền Giang “xanh” và phát triển bền vững

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa kinh tế “Nhất cận thị, Nhị cận giang, Tam cận lộ”, Tiền Giang đang đứng trước nhiều cơ hội quan trọng để bứt phá phát triển. Địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng xanh, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, một trong những cực tăng trưởng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bám sát định hướng này, thời gian qua Sở đã tăng cường tham mưu thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy trong lĩnh vực TN&MT như: Nghị quyết 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ môi trường; Chỉ thị 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý đất đai, khoáng sản; Chỉ thị 03 về thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường”, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 03/3/2023 quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh,…

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh lập hệ thống quy hoạch, kế hoạch dài dạn của ngành về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản trong từng giai đoạn. Trong đó, quy hoạch của ngành được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn đến năm 2030; đồng thời, xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu; ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Tiền Giang, chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…

Đặc biệt, nhằm cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Sở đang tập trung và phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 11/10/2022 về thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách TTHC trong bảo vệ môi trường. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.

Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và thông tin kịp thời về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để chủ động trong việc lập dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo, như: Năng lượng mặt trời, điện gió, tái chế rác thải, các ngành nghề công nghệ cao, hiện đại, sạch, thân thiện môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực địa phương,…

“Tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính về đất đai, chuyển đổi số… luôn là vấn đề phức tạp và khó khăn. Các quy định về đất đai, giải phóng mặt bằng ngày càng nhiều trong khi nhân lực của ngành còn thiếu. Bên cạnh đó, nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số của người dân còn hạn chế; việc thực hiện, xử lý hồ sơ trực tuyến cần sự đồng bộ, liên thông từ Trung ương đến địa phương,…Vì vậy, ngành cũng rất mong nhận được sự chi sẻ từ doanh nghiệp và người dân. Thông qua đó, chung tay cùng góp phần xây dựng Tiền Giang ngày càng phát triển”, ông Đoàn Văn Phương chia sẻ.

Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp và góp phần cùng ngành TN&MT cải thiện Chỉ số “Tiếp cận đất đai”, Văn phòng đã không ngừng đổi mới, cải cách TTHC bằng việc rà soát, tham mưu sửa đổi hoặc hủy bỏ các thủ tục không cần thiết; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức…

Đặc biệt, xác định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, VPĐKĐĐ tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đất đai. Đơn vị cũng tham mưu, xây dựng Quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và được niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Sở TNMT.

Một số kết quả nổi bật của VPĐKĐĐ tỉnh trong năm 2023:

- Đăng ký giao dịch đảm bảo cho tổ chức: Đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 269 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100% trước hạn.

- Công tác cấp GCN cho tổ chức: Đã tiếp nhận 256 hồ sơ; đã giải quyết 250 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết trước hạn 246 hồ sơ, chiếm 98,4%; số hồ sơ giải quyết quá hạn 04 hồ sơ, chiếm 1,6%.

- Công tác cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân tại Chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thị xã, thành phố: Đã tiếp nhận 104.068 hồ sơ; đã giải quyết 102.835 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết trước hạn 77.922 hồ sơ, chiếm 75,8 %; số hồ sơ giải quyết đúng hạn 23.514 hồ sơ, chiếm 22,8 %; số hồ sơ giải quyết quá hạn 1.399 hồ sơ, chiếm 1,4 %.

Toàn bộ kết quả giải quyết TTHC tại hệ thống VPĐKĐĐ đều được cập nhật trên trang một cửa điện tử của tỉnh và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở TN&MT để các cá nhân, tổ chức thuận tiện tra cứu, theo dõi.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)