TIỀN GIANG

Huyện Gò Công Đông: Tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao

14:20:18 | 15/1/2024

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, Gò Công Đông tiếp tục xác định trọng tâm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và bước đầu đạt kết quả tích cực. Huyện đang tăng tốc, hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024.

Phát huy lợi thế kinh tế biển

Là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Tiền Giang, Gò Công Đông nằm giữa hai cửa sông Cửa Soài Rạp và Cửa Tiểu. Giao thông vận tải đường thủy và đường bộ khá thuận tiện khi cách trung tâm tỉnh 41km, TP.Hồ Chí Minh 58km. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển nói riêng và trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy giao thương hàng hóa trong và ngoài nước nói chung.


Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, Gò Công Đông tiếp tục xác định trọng tâm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những mục tiêu mũi nhọn, những năm gần đây, Gò Công Đông đã chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các mô hình nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX,… Địa phương đã thành lập được 32 tổ hợp tác khai thác biển ở các xã Kiểng Phước, Tân Phước và thị trấn Vàm Láng với gần 200 ngư dân.

Ngoài ra, chú trọng phát triển Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương; xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp kinh tế vườn nhằm khai thác sản phẩm du lịch tham quan sinh hoạt cộng đồng, sinh thái - nghỉ dưỡng biển,… Cùng với đó là ngành công nghiệp có lợi thế như cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí,…

Sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Gò Công Đông đã đạt những kết quả tích cực. Giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 6,8%/năm; cơ cấu kinh tế năm 2023: Khu vực nông - ngư - lâm nghiệp 45,8%, công nghiệp - xây dựng 27,3%, dịch vụ 29,6%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (2021-2023) đạt 5.720 tỷ đồng (đạt 57,4% so với Nghị quyết là 15.280 tỷ đồng),…

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, đến cuối năm 2023, Gò Công Đông có 11/11 xã cơ bản giữ vững 19/19 tiêu chí NTM; trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tân Đông, Bình Nghị, Tân Tây, Tăng Hòa và Tân Thành, Bình Ân, Tân Phước). Huyện đã đạt 3/9 tiêu chí (25/38 chỉ tiêu), phấn đấu trong năm 2023 đạt thêm tiêu chí số 1 về Quy hoạch và tiêu chí số 6 về Kinh tế; nâng tổng số tiêu chí huyện NTM nâng cao đạt 5/9 tiêu chí (31/38 chỉ tiêu). Qua đó, tạo tiền đề vững chắc để đạt những tiêu chí, chỉ tiêu còn lại trong năm 2024.


Huyện đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở để thúc đẩy kinh tế xã hội và xây dựng NTM

Thời gian tới, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, với tinh thần “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; huyện sẽ tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trong đó, tập trung vào các công trình giao thông tỉnh đã phê duyệt gồm: ĐT.864 dọc sông Tiền qua địa phận huyện Gò Công Đông dài 14,06km; đường vào khu công nghiệp phía Đông; đường nối từ Chợ đầu mối thuỷ sản thị trấn Vàm Láng - đến ĐH.10. Ngoài ra, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước tuyến ĐT.871 các đoạn từ ranh thị xã đến trạm y tế Tân Đông; đoạn từ UBND xã Tân Đông đến nghĩa trang Tân Tây; nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước ĐT.862,…


Kinh tế biển và sản xuất nông nghiệp là những lĩnh vực thế mạnh của Gò Công Đông

Bên cạnh đó, kiến nghị Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND tỉnh đầu tư 04 dự án (tổng vốn dự kiến 164.500 triệu đồng) gồm: Đường huyện 02 nối dài + 03 cầu (cầu qua đê ấp 3, cầu Xóm Gồng 6, cầu Xóm Gồng 11); hệ thống đèn chiếu sáng ĐH.07; 08; 08B; 09; 10 và tuyến đê biển; ĐH.05B nối dài (đoạn từ ĐT.862 đến ĐH.08); đường phía Bắc ĐT.871.

Huyện đang tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và du lịch, với các dự án như: Xây dựng Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp vào Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, 2,… Cùng với đó là lĩnh vực: Năng lượng điện gió; các dự án đầu tư sản xuất hydro xanh; cảng logistics, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển và gắn kết liên vùng; các dự án khu dân cư nông thôn kết hợp thương mại dịch vụ hai bên ĐT.871B đoạn cuối nối với Cụm công nghiệp Gia Thuận 1; Dự án Khu đô thị thông minh Tân Điền,…

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, chính quyền huyện cam kết sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Công tác giải phóng mặt bằng dự án luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt, đảm bảo bàn giao mặt bằng sớm cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2021-2023, Gò Công Đông đầu tư, phát triển 250 công trình hạ tầng giao thông với tổng số vốn 310.613 triệu đồng. Trong đó, Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện thực hiện 81 công trình: 02 công trình đường huyện (ĐH.05 và ĐH.01), 05 công trình đường đô thị, 05 công trình hạ tầng giao thông, 03 cầu giao thông nông thôn và 66 công trình giao thông nông thôn với tổng số vốn đầu tư là 224.043 triệu đồng. Ban luôn nỗ lực hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng cũng như các yếu tố kỹ thuật - mỹ thuật, góp phần mang lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng cơ sở của tỉnh Tiền Giang theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)