Với vị thế là Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Có được kết quả này, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cho biết: Thành phố đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN).
Ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút đầu tư, phát triển DN của TP.Hà Nội thời gian qua?
Trong năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài của Thành phố đạt hơn 2,91 tỷ USD vốn FDI (tăng 64% so với năm 2022). Trong đó, có 406 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 416,8 triệu USD; 175 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 307,2 triệu USD và 294 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 2.186 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI, đạt khoảng 54,43 tỷ USD với 7.373 dự án còn hiệu lực. Các lĩnh vực thu hút vốn lớn như: Kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; dịch vụ buôn bán hàng hóa, thương mại; hoạt động chuyên môn khoa học, xây dựng; hoạt động hành chính và hỗ trợ; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm,... Thành phố chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, đặc biệt là các dự án công nghệ cao. Trong đó, năm 2023, Thành phố đã thu hút dự án Nhà máy dược phẩm công nghệ cao SRS Biosciences với tổng vốn đăng ký là 23.898.369 USD do Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cấp.
Bên cạnh đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập và số lượng DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số (CĐS); giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh,... cũng là chủ trương quan trọng của Thành phố nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của DN.
Kết quả năm 2023, Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 31.660 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 353.973 tỷ đồng (tăng 7,1% về số lượng DN và tăng 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Cùng với tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới, cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh. Góp phần vào thành quả trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào, thưa ông?
Những năm gần đây, Hà Nội đã có thay đổi mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan. Nhờ vậy, mặc dù năm 2022 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội có giảm 1,86 điểm so với năm 2021, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021) nhưng các chỉ tiêu về chính sách hỗ trợ DN và đào tạo lao động đều nằm trong Top 10 địa phương có số điểm từng thành phần cao nhất cả nước.
Đóng góp vào thành công này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngay từ đầu năm 2023, Sở đã ban hành các kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ CCHC trong cả năm; thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách; tổ tổng hợp rà soát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất Ban Giám đốc Sở chỉ đạo các công việc quá hạn hoặc còn tồn tại, hạn chế của các đơn vị, cá nhân.
Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2647/QĐ-UBND ngày 10/5/2023 phê duyệt công bố danh mục 130 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, gồm: 109 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp thành phố, 21 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện. Đến nay, 100% các TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở đã được UBND Thành phố phê duyệt quy trình nội bộ tại các Quyết định số: 3534/QĐ-UBND ngày 29/9/2022, số 2030/QĐ-UBND ngày 15/5/2020 và số 3828/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 của UBND Thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN
Năm 2023, đã giao các đơn vị thuộc Sở tiếp tục rà soát và đề xuất xây dựng các quy trình nội bộ ngoài TTHC. Chỉ tính riêng tháng 11/2023, Sở đã phê duyệt 42 quy trình nội bộ ngoài TTHC thuộc thẩm quyền; đồng thời tham mưu UBND Thành phố phê duyệt 02 TTHC nội bộ lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố gồm: (1) Quy trình giải quyết công việc thẩm định, trình phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; (2) Quy trình giải quyết ngừng hoạt động hoặc ngừng một phần dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 47 Luật Đầu tư.
Hằng năm, do chủ động tham mưu UBND Thành phố phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC, nên Sở đã đảm bảo 20% TTHC được đơn giản hóa. Đặc biệt, năm 2023, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4935/QĐ-UBND ngày 02/10/2023 và thông qua phương án đơn giản hóa 15 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Dự kiến năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt trên 3 tỷ USD. |
Cũng trong năm 2023, Sở đã thực hiện xây dựng và công khai 50 câu hỏi và giải đáp đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh; 36 câu hỏi và giải đáp đối với lĩnh vực hỗ trợ DN nhỏ và vừa; áp dụng Trang Zalo Official trong công tác CCHC, giải đáp và hỗ trợ thực hiện TTHC cho các tổ chức, DN, cá nhân trên địa bàn TP.Hà Nội. Đồng thời, đã báo cáo UBND Thành phố kết quả nghiên cứu xây dựng Sổ tay hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn TP.Hà Nội để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, đẩy mạnh CĐS, hiện 100% hồ sơ DN đều được đăng ký trực tuyến và được Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN luôn khi hồ sơ hợp lệ. Năm 2023, có khoảng 159 ngàn lượt hồ sơ nhận kết quả tại trụ sở DN hoặc địa chỉ đăng ký, đưa tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 của phòng Đăng ký kinh doanh lên 92% (dẫn đầu cả nước).
Ngoài ra, để cải thiện nâng cao chỉ số Gia nhập thị trường nói chung và nâng cao chỉ số thành phần liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh, Sở nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ đăng ký DN, đảm bảo chất lượng, đảm bảo giải quyết sớm và đúng thời gian quy định. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị tư vấn như: Hướng dẫn, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức hội thảo chuyên đề liên quan đến công tác giải quyết cấp đăng ký DN, nhằm rà soát, đánh giá, điều chỉnh, rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp liên quan như: Chính sách, quy định pháp luật, cách thức giải quyết công việc của Sở,…
Hà Nội được biết đến là địa phương đi đầu và chú trọng định hướng thu hút đầu tư xanh, chất lượng cao. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này?
Xanh và bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng đối với các địa phương và DN. Để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, thời gian qua UBND TP.Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển xanh, sản xuất sạch, trong đó, hình thành các khu, cụm công nghiệp xanh là một trong những giải pháp quan trọng.
Tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu CNC Hòa Lạc. UBND Thành phố sẽ sớm trình Chính phủ các cơ chế đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc với định hướng hỗ trợ thu hút đầu tư, kêu gọi thêm các nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi các cơ sở khoa học và công nghệ (KH&CN) tầm quốc gia và khu vực về đây. Gắn kết chặt chẽ Khu CNC Hòa Lạc với Đại học Quốc gia Hà Nội (tại Hòa Lạc) để tập trung xây dựng chiến lược phát triển khu vực này thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và KH&CN của Thủ đô. Phát triển Khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và là vùng lõi của đô thị Hòa Lạc, nơi tập trung trí tuệ, công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực. Đẩy mạnh thu hút FDI theo chiều sâu, tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ; tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.
Đồng hành cùng các DN và nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư (XTĐT), xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm, tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thành phố; chú trọng thúc đẩy XTĐT tại chỗ. Ưu tiên XTĐT một số lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng như nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế, những ngành then chốt như dự án CNC, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học,…
Thông qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI