PHÚ YÊN

Thị xã Đông Hòa: Đô thị động lực phía Nam tỉnh Phú Yên

10:42:14 | 28/5/2024

Là thị xã ven biển nằm phía Đông Nam tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 15km, Đông Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Cùng với khát vọng, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị và người dân đang đồng lòng, chung sức đưa Đông Hòa ngày càng phát triển, khẳng định vai trò, vị thế đô thị động lực phía Nam tỉnh Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.

Nỗ lực bứt phá

Đông Hòa có vị trí thuận lợi; là địa bàn nối với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đầu mối giao thông quan trọng của nhiều khu vực trong, ngoài tỉnh qua quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Tuy Hòa và cảng biển Vũng Rô. Địa phương cũng nằm trong Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên, một trọng điểm phát triển và sớm trở thành trung tâm kinh tế năng động của tỉnh trong tương lai gần. Hơn thế, Đông Hòa còn hội tụ được nhiều tiềm năng, nguồn lực về đất đai, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử văn hóa,…

Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm, động viên, hỗ trợ và bố trí nguồn lực giúp Đông Hòa phát triển thuận lợi nhất. Hệ thống chính trị thị xã luôn đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực cao nhất để tạo nên những bước phát triển nhanh và toàn diện. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 10,77% so với năm 2022; thu ngân sách đạt 252 tỷ đồng, đạt 108,65% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 2.230 tỷ đồng,…

Hiện trên địa bàn thị xã triển khai nhiều công trình, dự án: Tuyến cao tốc Bắc - Nam; đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); đường Phước Tân – Bãi Ngà; di tích lịch sử Tàu không số; đài tưởng niệm liệt sĩ thị xã. Thị xã có 362 doanh nghiệp, 1.602 hộ kinh doanh đang hoạt động. UBND thị xã phối hợp Hội doanh nghiệp thị xã tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh đầu tư, phát triển.

Đặc biệt, xác định quy hoạch luôn đi trước, thị xã tích cực đẩy mạnh công tác khảo sát, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch. Cụ thể, Đông Hòa triển khai và đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 06/11/2023 về việc phê duyệt chủ trương lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị thị xã Đông Hòa đến năm 2040. UBND thị xã cũng đang thực hiện các bước lập 02 quy hoạch chung xã Hòa Tân Đông và xã Hòa Xuân Đông nhằm chỉnh trang quy hoạch, sắp xếp ổn định khu dân cư, tạo quỹ đất cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị khang trang, văn minh và tiện nghi; tạo không gian sống thân thiện, mỹ quan, môi trường bền vững.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm di tích đoàn tàu không số tại Vũng Rô, năm 2023

Thị xã cũng phối hợp với Ban Quản lý KKT Phú Yên cập nhật danh mục các dự án nhằm xúc tiến, kêu gọi đầu tư, điển hình là: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Hòa Tâm, Hòa Thành, Hòa Xuân Đông… và các khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại - dịch vụ nghỉ dưỡng (Hòa Hiệp Bắc); khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Nưa; khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô; khu du lịch Biển Hồ - Đá Bia,… Từ đó làm cơ sở đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, ngày 29/12/2023, UBND thị xã đã ban hành Quyết định số 7413/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven biển phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đang xây dựng kế hoạch để thực hiện.

Để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư, UBND thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nhờ vậy, các dự án lớn đều đang được triển khai đúng tiến độ.

Thời gian tới, Đông Hòa sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai, thực hiện chương trình phát triển đô thị nhằm khắc phục các tiêu chí còn yếu, thiếu để phát triển bền vững. Tiếp tục cùng với các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh xúc tiến và tiếp cận đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào KCN Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc và các KCN, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn và đoàn công tác khảo sát thực tế tại khu vực Bãi Gốc, thuộc Khu Kinh tế Nam Phú Yên 

Xây dựng Đông Hòa cởi mở và thân thiện

Những năm qua, Đông Hòa ngày càng khẳng định là một đô thị trẻ năng động, sáng tạo ở khu vực phía Nam của tỉnh. Thị xã chú trọng cải cách hành chính (CCHC), xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bám sát các chương trình, kế hoạch của tỉnh về CCHC để cụ thể hóa và triển khai thực hiện sát với điều kiện, tình hình thực tế địa phương; đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công tác CCHC.

Thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên”; từ tháng 12/2022, UBND thị xã đã chuyển bộ phận một cửa phường Hòa Vinh về bộ phận một cửa thị xã theo nguyên tắc đổi mới: “Mỗi địa bàn hành chính cấp xã chỉ có một bộ phận một cửa nhưng không làm thay đổi, ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính” và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 19/08/2022 của UBND tỉnh Phú Yên. Bộ phận một cửa thị xã và các xã, phường đều được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đảm bảo; công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thực hiện đúng quy trình, thủ tục.


KCN Hòa Hiệp

Thị xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh do Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng Ban; đồng thời, xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động để có cơ sở triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã được hợp nhất nhằm thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập và quản lý tinh gọn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo kết quả đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên trong 03 năm gần đây, Chỉ số CCHC của thị xã năm sau đều cao hơn năm trước cả về số điểm và vị thứ: Năm 2021 đạt 64,19/100 điểm, xếp loại Trung bình, đứng thứ 08/9 huyện, thị xã, thành phố; năm 2022 đạt 72,31/100 điểm, xếp loại Khá, đứng thứ 4/9; năm 2023 đạt 85,47% (47,01 điểm/55 điểm - đánh giá theo bộ chỉ số mới), xếp loại Tốt, đứng thứ 3/9 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 đạt 90%, năm 2022 đạt 95,98%, năm 2023 đạt 96,72%.

Chưa hài lòng với kết quả đạt được và xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian tới, thị xã tiếp tục phát huy những thuận lợi, khắc phục hạn chế, tồn tại để hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, tăng cường quảng bá hình ảnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Hỗ trợ, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thanh toán trực tuyến đối với những thủ tục hành chính có nghĩa vụ tài chính, giảm thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đưa Đông Hòa ngày càng phát triển, khẳng định vai trò, vị thế đô thị động lực phía Nam tỉnh Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)