PHÚ YÊN

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên: Đồng hành, thúc đẩy các dự án sớm phát huy hiệu quả

09:21:04 | 28/5/2024

Sau 10 năm thành lập, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNƯDCNC) Phú Yên đang ngày càng thu hút sự quan tâm và trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Với vai trò quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ, Ban Quản lý KNNƯDCNC Phú Yên luôn chào đón, đồng hành cùng nhà đầu tư để thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng Ban quản lý KNNƯDCNC Phú Yên chia sẻ về sự đồng hành này.

Qua chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập, đi vào hoạt động, KNNƯDCNC đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như thu hút đầu tư, thưa ông?

Phú Yên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, chiếm 85,2% tổng diện tích tự nhiên, lại nằm ở trung tâm khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Do đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập KNNƯDCNC tại Phú Yên (một trong 10 KNNƯDCNC của cả nước). Nằm trên địa bàn Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, cách trung tâm TP.Tuy Hòa 12km về phía Tây Bắc, KNNƯDCNC Phú Yên có tổng diện tích giai đoạn I là 460ha và bao gồm 7 phân khu chức năng chính.

Việc thành lập KNNƯDCNC Phú Yên với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao; xây dựng các mô hình sản xuất NNƯDCNC để nhân rộng ra các vùng sản xuất cho tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Chức năng chính của Khu là thực hiện các hoạt động ứng dụng các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, bảo quản - chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm sinh học và thức ăn chăn nuôi.

Sau 10 năm thành lập, được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đến nay KNNƯDCNC Phú Yên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng giai đoạn I (trên diện tích 460ha) đã được đầu tư hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông; hệ thống cấp nước sản xuất; hệ thống điện sản xuất, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống xử lý nước thải; các trạm BTS phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc,... Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý), được xây dựng trên diện tích 03ha đã được đầu tư trang thiết bị cho phòng nuôi cấy mô, phòng vi sinh, hệ thống 6.600m2 nhà màng, 2.600m2 nhà lưới, 200m2 nhà nấm thường, 200m2 nhà nấm lạnh và hệ thống điện mặt trời 90kwh kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân rộng và sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý KNNƯDCNC đã kêu gọi, thu hút đầu tư, chấp thuận chủ trương 09 dự án với tổng vốn đăng ký 459 tỷ đồng/108,21ha, suất đầu tư 4,2 tỷ đồng/ha (170 nghìn USD/ha). Định hướng hoạt động các dự án là ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, cung cấp giống, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao cho các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất ra vùng nguyên liệu, gồm: Trồng cây cao lương, dược liệu, hoa, rau củ quả, nấm các loại, chế biến đồ uống, sản xuất giống gà công nghệ cao và sản xuất phân hữu cơ vi sinh,...

Cho đến nay, các nhà đầu tư và Trung tâm nghiên cứu tại KNNƯDCNC là hạt nhân, cùng liên kết để tiếp nhận, nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ, trình diễn mô hình và nhân rộng, lan tỏa ra các vùng NNƯDCNC để áp dụng sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hiện có mô hình đã, đang nhân rộng như: Quy trình trồng dưa Hoàng kim trên giá thể trong nhà màng; Quy trình trồng lan Mokara; Quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm mối đen; Quy trình nuôi trồng nấm Nhộng trùng thảo; Quy trình công nghệ nhân giống và sản xuất nấm Hoàng đế; Quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng Sung Magic; Quy trình kỹ thuật trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh hồi lưu trong nhà màng;...


Ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng Ban (thứ 2 từ phải qua) trao Quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư tại KNNƯDCNC Phú Yên

Tuy đã khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ và thu hút được nhiều nhà đầu tư và đang góp phần giúp ngành Nông nghiệp của tỉnh vươn lên tầm cao mới nhưng hoạt động của KNNƯDCNC Phú Yên vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ông có chia sẻ hoặc kiến nghị nào nhằm tháo gỡ các “nút thắt” này?

Các KNNƯDCNC được thành lập trên cả nước và tỉnh Phú Yên từ khi thành lập đến cuối năm 2023 đều có vướng mắc chung về hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động. Từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2008 cho đến năm 2023 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, quy định về KNNƯDCNC; mô hình và cơ chế hoạt động của các ban quản lý. Trong các văn bản luật, nghị định, thông tư chưa quy định cụ thể đối tượng, pham vi áp dụng KNNƯDCNC, chỉ ghi chung là khu công nghệ cao. Do vậy, quá trình vận hành gặp nhiều khó khăn do cách hiểu khác nhau về khu công nghệ cao và KNNƯDCNC.

Cho đến gần đây, ngày 01/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về Khu công nghệ cao, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KNNƯDCNC và quy định về KNNƯDCNC đã tháo gỡ các vướng mắc về mô hình, cơ chế hoạt động của các ban quản lý KNNƯDCNC trong cả nước.

Tuy vậy, thực tiễn hoạt động hiện nay tiếp tục nảy sinh một số vướng mắc. Để khắc phục các bất cập này, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành và cơ quan trung ương khi xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan đến NNƯDCNC cần bổ sung đối tượng, phạm vi áp dụng cụ thể đối với KNNƯDCNC.

Chúng tôi cũng kiến nghị các bộ, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển các Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để làm cơ sở cho doanh nghiệp sau khi đầu tư, nghiên cứu trình diễn tại KNNƯDCNC có điều kiện chuyển giao nhân rộng các mô hình sang các vùng để sản xuất hàng hóa.

Nhằm triển khai cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới, Ban sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai phát triển các Vùng NNƯDCNC, từ đó tạo điều kiện để nhân rộng các mô hình từ Khu ra bên ngoài, tạo các vùng NNƯDCNC ở quy mô sản xuất hàng hóa.


Ban Quản lý KNNƯDCNC ký thỏa thuận hợp tác với Viện công nghệ xanh Green Tech

Ông có thể cho biết một số định hướng thu hút đầu tư vào KNNƯDCNC Phú Yên và cam kết của Ban với các doanh nghiệp đang, sẽ đầu tư tại Khu?

Hiện nay, Ban Quản lý KNNƯDCNC và các doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công các quy trình công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, được ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra đang được tiêu thụ tại chỗ theo dạng tươi, chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm; công nghệ chế biến, bảo quản chưa thực sự phát triển và đáp ứng kịp theo nhu cầu. Do đó, KNNƯDCNC thu hút đầu tư theo định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp tuần hoàn, nhất là các lĩnh vực: Nghiên cứu sản xuất, lai tạo và tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng các công nghệ cao trong quy trình nuôi trồng, chăm sóc cây trồng và vật nuôi; ứng dụng công nghệ trong chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm từ nông nghiệp; xây dựng chuỗi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…

Một số sản phẩm được sản xuất tại KNNƯDCNC Phú Yên


Đông trùng hạ thảo

Nấm mối đen

Đối với doanh nghiệp khi đến tìm hiểu cũng như đầu tư vào Khu, Ban Quản lý cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tiếp cận thông tin quy hoạch, nghiên cứu thực địa, hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư trong các thủ tục đầu tư, hỗ trợ thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định để các dự án đầu tư tại KNNƯDCNC sớm đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và nền Nông nghiệp tỉnh nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)