Những năm trở lại đây, hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều bước phát triển đáng kể, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, nối liền các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các khu kinh tế, hành chính quan trọng của tỉnh từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến các trung tâm xã, góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông từ thành thị đến nông thôn.
Hiện nay, Đồng Tháp có 5 quốc lộ với tổng chiều dài lên đến 293,75km. Trong đó QL 30, QL54,QL80 đang được nâng cấp, tuyến N2 đang triển khai giai đoạn 1 từ Mỹ An đến nút giao thông An Bình và tuyến N1 đang lập dự án, 15 tuyến đường tỉnh có số hiệu từ ĐT 841 đến ĐT 855 với tổng chiều dài trên 462,4 km đường huyện, 1852km đường xã và 198 km đường đô thị. Ngoài ra, sự quan tâm của chính quyền vào hạ tầng giao thông thể hiện rất rõ khi Đồng Tháp đang làm chủ đầu tư, quản lý 15 tuyến đường tỉnh từ ĐT 841 đến ĐT 855, ngoài ra Sở GTVT còn làm chủ đầu tư dự án nâng cấp quốc lộ 30 với tổng mức đầu tư dự án là 2.579,470 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 thực hiện đầu tư 2 tuyến thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự, dự kiến tổ chức đấu thầu vào tháng 10/2009.
Ông Nguyễn Văn Cống, Giám đốc Sở GTVT cho biết: trong năm 2009, và những năm sắp đến Đồng Tháp sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nhằm xây dựng, nâng cấp đồng bộ quy mô các tuyến đường tỉnh lên cấp III - đồng bằng, hệ thống cầu trên tuyến đường tỉnh và quốc lộ đạt tải trọng thiết kế hoạt tải xe ô tô HL- 93,… Song song đó, tỉnh cũng xem việc quy hoạch GTVT tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 làm tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, vật liệu mới, công nghệ mới trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, khai thác cũng như duy tu bảo dưỡng, đảm bảo an ninh, quốc phòng, từng bước hiện đại hóa hệ thống mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh.
Đồng Tháp hiện có 2 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ và đường sông, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm cả GTNT đã có nhiều cải thiện đáng kể. Đối với đường thủy, luồng tàu sông Hậu và sông Tiền là trục giao thông đường thủy quan trọng nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Thêm nữa, địa bàn tỉnh Đồng Tháp có mật độ hệ thống kênh mương khá dày, nên việc khai thác giao thông đường thủy rất thuận lợi, đặc biệt một số tuyến kênh lớn phục vụ rất tốt cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa như kênh Hồng Ngự- Vĩnh Hưng, kênh Đồng Tiến, kênh An Phong- Mỹ Hòa,… Bên cạnh thừa kế mạng lưới đô thị cũ đã được phê duyệt trong năm 2003. Tỉnh tiếp tục nâng cấp các đô thị hiện có đạt các tiêu chí đô thị của từng cấp và lập các đề án nâng cấp các thị trấn, thị tứ gần hội đủ các tiêu chí để có những giải pháp và bước đi phù hợp để công nhận các đô thị. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội để nâng cấp và mở rộng đô thị của thành phố Cao Lãnh, thị xã SaĐéc và thị trấn Hồng Ngự để làm hạt nhân của 3 vùng trọng điểm kích thích các đô thị vệ tinh phát triển. Phân bố hợp lý các đô thị nhỏ và vừa, tạo sự phát triển cân đối của các đô thị.
Về nguồn vốn đầu tư cho đề án giao thông nông thôn, sẽ huy động nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn ODA, và vốn nhân dân đóng góp và kêu gọi vận động các tổ chức, các cá nhân đầu tư xây dựng giao thông theo phương thức BT, BOT,… khi đế án được triển khai và đi vào vận hành, chắc chắn đây sẽ là tiền để để kinh tế nông thôn tại Đồng Tháp có điều kiện phát triển.
Thanh Thảo