ĐỒNG THÁP

Đầu tư vào nguồn nhân lực trí thức cao

14:22:14 | 25/5/2010

So với mặt bằng chung của các tỉnh ĐBSCL, hệ thống giáo dục Đồng Tháp hiện vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước tốc độ công nghiệp hóa - xã hội hóa đất nước, đòi hỏi một nguồn nhân lực, trí thức cao.

Đồng Tháp đang từng bước chuẩn hóa đội ngũ cho cán bộ công nhân viên, đào tạo nguồn nhân lực góp phần cho sự phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.

Tăng trưởng ở những con số

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay, các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo nhiều ghi nhận, công tác phổ cập giáo dục của tỉnh có nhiều tiến bộ và đạt hiệu quả cao, toàn tỉnh hiện có 663 trường mầm non và phổ thông. Từ bậc mầm non đến bậc đại học, sau đại học đều thu hút đông đảo học viên. Giáo dục tiểu học tiếp tục giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỉ lệ học sinh tiểu học đi học so với dân số trong độ tuổi đạt 99,6%, tỉnh tổ chức được 127 trường có thực hiện dạy 2 buổi/ ngày. Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi trung học cơ sở đạt 84,9%, trung học phổ thông đạt 45,4%, thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở 142/142 xã, phường, thị trấn. Tỉnh cũng đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào thời điểm tháng 12/2007, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm bình quân đạt 75-80%, số học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng chiếm trên 30% số học sinh tốt nghiệp THPT. Giáo dục nghề nghiệp cũng như giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên đã có nhiều thay đổi. 11/11 huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên, 142/142 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Các cơ sở đào tạo nghề phát triển dưới nhiều hình thức. Hiện tỉnh có 31 cơ sở dạy nghề, ngoài ra, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và tin học của các tổ chức, cá nhân cũng ngày một mọc lên rầm rộ. Hiện nay, tại trường đại học Đồng Tháp có 148/520 cán bộ, tính đến hiện tại, nhà trường đã có 82 giảng viên, trong đó có 17 đạt trình độ thạc sĩ, đạt tỷ lệ 22%.

Đi đôi với nhu cầu học tập của nhân dân ngày một cao, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã bắt tay vào chấn chỉnh đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển đồng bộ về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập đã được ngành thực hiện từ nhiếu năm trước và ngày càng được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, hưởng ứng chủ đền năm 2008-2009 “ năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đây là một điểm nhấn để ngành tăng tốc phát triển.

Hướng đến 2010

Sau 2 năm thực hiện đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở lồng ghép thực hiện các mục tiêu của đề án nâng cao chất lượng giáo dục, đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ở nước ngoài tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, ngành giáo dục đào tạo phối hợp với các huyện, xã, thành phố triển khai những công việc cụ thể nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu đề ra, cũng như phối hợp với các trường ĐHSP Đồng Tháp, cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp, trường quân sự tỉnh,… và thu được nhiều kết quả như mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, cán bộ quản lý các đơn vị trường học,...

Để đạt chỉ tiêu 170 sinh viên/ 1 vạn dân đến năm 2010, qua một năm thực hiện đề án, tỉnh đã đề nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho phép nâng trường dạy nghề cùa tỉnh thành trường cao đẳng nghề và quyết định thành lập 3 trường trung cấp nghề: Tháp Mười, Hồng Ngự và Tam Nông, cũng như làm thủ tục để nâng trường trung học y tế thành trường cao đẳng y tế.

Thu Bồn