ĐỒNG THÁP

Tiếp tục phát triển mạnh ngành nông nghiệp

15:31:51 | 25/5/2010

Đồng Tháp diện tích đất nông nghiệp chiếm 74,4% tổng diện tích tự nhiên, với trên 77% lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp và hàng năm đã tạo trên 50% giá trị GDP . Không chỉ là một trong những vựa lúa lớn nhất Việt Nam, Đồng Tháp còn dựa vào sông nước đồng bằng sông Cửu Long để nuôi trồng thủy sản, nhất là cá tra và cá ba sa.

Phát huy tiềm năng

Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng GDP của tỉnh Đồng Tháp đạt 16,56%, đứng đầu các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp ước đạt 10.407 tỷ đồng (giá 1994), tăng 7,95% so với năm 2007, năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 58,66 tạ/ha, tăng 1,75 tạ/ha so năm 2007; sản lượng lúa đạt trên 2,74 triệu tấn, tăng gần 200 ngàn tấn so với năm 2007, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt trên 2.825,94 tỷ đồng, tăng 332,33 tỷ so năm 2007, chiếm 26,95% trong cơ cấu toàn ngành; giá trị tăng thêm ước đạt 1.197 tỷ đồng cao hơn năm 2007 là 492 tỷ đồng. Tổng diện tích nuôi thủy sản cả năm trên 6.000 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra đầu năm là 1.250 ha. Sản xuất giống thủy sản cả năm ước đạt 9.000 triệu con (trong đó cá tra 7.930 triệu con) không những đáp ứng cho nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung ứng cho các tỉnh lân cận. 6 tháng đầu năm 2009, tăng trưởng nông nghiệp ước trên 4 % (kế hoạch cả năm là 4,5%), đối với trồng trọt đã có sự phát triển dần theo chiều sâu với việc thâm canh, tăng vụ, chuyển giao nhanh các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa...

Ông Dương Nghĩa Quốc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết: “Đồng Tháp sẽ chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ nông - lâm - thuỷ sản đến năm 2020 đạt tỷ lệ theo thứ tự là 56,72% - 1,12% - 42,16%, ổn định sản lượng lúa trên 2,5 triệu tấn, có trên 80% lúa chất lượng cao.

Mở rộng mô hình nông nghiệp đô thị

Tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Đồng Tháp còn rất lớn, bởi vậy ông Quốc chia sẻ, Trăn trở lớn nhất hiện nay là làm thế nào tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận. Đó là cơ sở quan trọng để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới. Đồng Tháp đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời các chương trình, dự án của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với đặc điểm diện tích đất sử dụng ít, sản xuất thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống, trồng, chăm sóc,… thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc và một số địa phương trong tỉnh đã phát triển một số mô hình nông nghiệp đô thị: sản xuất hoa kiểng, cá cảnh, trồng nấm bào ngư,… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Cùng với Tp. Cao Lãnh, Thị xã Sa Đéc đang lập quy hoạch mở rộng vùng phát triển hoa kiểng thị xã Sa Đéc đến năm 2020 với quy mô dự kiến 500 ha (năm 2008, diện tích hoa kiểng 261 ha). Một tương lai mới đang mở ra cho làng hoa kiểng Sa Đéc. Tuy có hơn 176 ha trồng hoa kiểng hiện nay, nhưng nơi đây đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Hàng năm Sa Đéc cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài hơn 8 triệu giỏ hoa và hơn 20 ngàn chậu kiểng các loại; doanh thu hàng năm từ nghề trồng hoa kiểng đạt hơn 29 tỷ đồng, qua đó đã góp phần đáng kể trong chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thị xã. Những năm gần đây, nhiều hộ trồng hoa kiểng còn mua về nhiều giống mới của các nước Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (TQ). Tỉnh Đồng Tháp đang lập dự án xây dựng “Làng hoa kiểng Sa Đéc” đến 2010 có tổng diện tích là 300 ha, xây dựng phương án chọn lọc, bảo tồn và phát triển các loại hoa kiểng bản địa đặc thù; ứng dụng công nghệ sinh học vào việc nhân giống, lai tạo giống mới, đưa nghề trồng hoa kiểng trở thành một trong những nghề sản xuất tiềm năng.

Quang Thanh