Trong những năm trở lại đây, kinh tế Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết thúc năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 vượt qua những khó khăn chung của đất nước, Đồng Tháp vẫn giữ vững được những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trương Ngọc Hân - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về những kế hoạch cũng như định hướng của Đồng Tháp trong thời gian tới.
Năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Đồng Tháp cao nhất vùng ĐBSCL, trong đó 3 vùng kinh tế trọng điểm là Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự đã đạt nhiều kết quả khả quan. Vậy ông có thể nói rõ hơn về những thành tựu nổi bật trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 ?
Năm 2008, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường gây tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong hoàn cảnh đó, Đồng Tháp đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước cụ thể hoá thành những nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình và tập trung chỉ đạo quyết liệt với tinh thần quyết tâm cao, nhờ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,56%, cao nhất vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sản lượng lúa đạt 2,72 triệu tấn (cao nhất từ trước đến nay). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 60,8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 489 triệu USD, tăng 66,6%. Văn hoá - xã hội tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vươn lên xếp hàng thứ 5 trong cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2007.
Sáu tháng đầu năm 2009, trong điều kiện tình hình không được thuận lợi, nhưng tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vẫn đạt 9,39% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 11%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 30,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 3,2%, trong đó giá trị thủy sản xuất khẩu tăng 5,4%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và an sinh xã hội được quan tâm ngày càng tốt hơn.
Năm 2008, Đồng Tháp nằm trong tốp các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước. Ông nhận định gì về sự kiện trên ?
Chủ tịch UBND Trương Ngọc Hân tiếp tổng lãnh sự Pháp Gerard Boivineau 12.5.2009
Trong những năm qua chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục được cải thiện, từ hạng 11 năm 2006 vươn lên hàng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước vào năm 2008. Đây là sự nỗ lực phấn đấu chung của toàn tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thời gian tới, Tỉnh tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều hành theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, tác phong làm việc và trang bị nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức,v.v... Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu Đồng Tháp là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Sau hơn hai năm gia nhập WTO, có nhiều cơ hội và thách thức mở ra cho Việt Nam. Đồng Tháp sẽ làm gì để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức này, thưa ông?
Đồng Tháp đặc biệt quan tâm liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, tập trung phấn đấu hết sức mình cũng như chỉ đạo thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Chương trình thực thi cam kết WTO của Chính phủ liên quan đến địa phương để phát huy cao nhất các cơ hội, hạn chế bớt những thách thức, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống người dân; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng với cả nước tiến vững chắc trên con đường hội nhập với thế giới và thực hiện thắng lợi mục tiêu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Để giải bài toán trì trệ của nền kinh tế thế giới và đất nước trong giai đoạn hiện nay, Đồng Tháp sẽ có những quyết sách nào? thưa ông?
Để thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo mạnh mẽ các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận đất đai, chính sách tín dụng, chính sách thuế... Đi liền với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời với việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường cũng như quan tâm thực hiện mạnh mẽ chính sách an sinh xã hội là biện pháp cấp bách. Tỉnh sẽ triển khai bằng cách thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và đảm bảo không thất thoát đến những người thụ hưởng. Tỉnh cũng sẽ không chỉ tiếp tục đẩy mạnh các thủ tục cải cách hành chính mà còn tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.
Việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc khắc phục vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch đã đề ra cùng với tỉnh cũng đã nhận thấy việc tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện theo hướng linh hoạt, hiệu quả đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát là một trong những giải pháp quan trọng.
Song song đó, công tác thu hút vốn đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cũng sẽ được tập trung triển khai, thông qua tạo cơ chế để các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất, thu hút thêm các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đặc biệt, tranh thủ tối đa nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Xin cảm ơn ông!
T.Thảo-H.Lâm