Mặc dù không có nhiều thuận lợi nhưng với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư tại Gia Lai và hầu hết các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến đầu tư tại Gia Lai hiện đang hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Nhằm giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về môi trường và chính sách đầu tư của tỉnh Gia Lai, phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Xin ông cho biết những kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua?
Thực hiện chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, cùng với các Quy định của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành quy định ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh từ năm 2005 đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, hiện đã có 147 dự án đã và đang triển khai với tổng vốn đăng ký thực hiện khoảng 35.000 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng: 110 dự án, tổng vốn: 31.365 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng: 19 DA, vốn đăng ký 4.161 tỷ đồng: công nghiệp chế biến: 55 DA, vốn đăng ký: 19.905 tỷ đồng; thủy điện: 36 DA, vốn đăng ký: 7.570 tỷ đồng; nông – lâm nghiệp: 27 dự án, vốn đăng ký 1.289 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ: 10 dự án, vốn đăng ký thực hiện 1.802 tỷ đồng.
Việc thu hút đầu tư ở Gia Lai hiện đang có những thuận lợi gì, thưa ông?
Với diện tích tự nhiên 15.536,7 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 80% và diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ mới sử dụng khoảng 400.000 ha nên quỹ đất để phát triển nông nghiệp hiện còn rất lớn.
Về cơ sở hạ tầng, Gia Lai có 90km đường biên giới chung với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Cảng hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại, một số nhà máy thủy điện lớn: nhà máy thuỷ điện IaLy, Sê san 3A, Sê San 3, Sê San 4… đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế . Gia Lai có vị trí khá thuận lợi về giao thông với 3 trục quốc lộ: quốc lộ 14 nối Gia Lai với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Tây Nguyên với Tp.Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quốc lộ 19 nối tỉnh với cảng Quy Nhơn và Campuchia, quốc lộ 25 nối Gia Lai với tỉnh Phú Yên và Duyên Hải Miền Trung.
Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, đây là điều kiện để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển đúng hướng, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển. Ngoài ra, với vị trí nằm trong khu vực tam giác phát triển kinh tế Việt
Vậy Gia Lai đang có những chính sách gì nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư?
Ngoài chính sách chung về đầu tư của Trung ương, tỉnh Gia Lai đã ban hành một số cơ chế chính sách riêng của tỉnh. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 84/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2007, quy định cụ thể các ưu đãi và hỗ trợ cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:về địa bàn ưu đãi đầu tư: hiện toàn bộ các huyện và thị xã của Gia Lai được hưởng tiêu chuẩn địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về chế độ hỗ trợ, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho các Dự án đầu tư trên địa bàn, tùy theo từng loại hình đào tạo. Thêm vào đó, trong phạm vi chương trình của tỉnh sẽ có sự hỗ trợ ngân sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các ứng dụng công nghệ. Tỉnh còn có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thực hiện việc đền bù giải tỏa để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong khu công nghiệp. Các dự án đầu tư vào các KCN được miễn phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm đầu tiên kể từ khi thực hiện dự án và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Hàng năm, trên cơ sở các quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tỉnh đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn cơ hội đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được đăng ký thành lập và hoạt động kinh doanh. Đến nay thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế (tại Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã được rút ngắn chỉ còn 05 ngày làm việc.
Những lĩnh vực nào đang được Gia Lai ưu tiên và ưu đãi trong thu hút đầu tư, thưa ông?
Phát triển nông – lâm nghiệp và nông thôn là lĩnh vực đang được Gia Lai ưu tiên hàng đầu nhằm tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông sản hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo cho quá trình phát triển và nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp với các ngành trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện và vật liệu xây dựng. Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trước hết là mạng lưới giao thông, bưu chính viễn thông, dịch vụ thương mại – du lịch, mạng lưới điện, thủy lợi và cấp thoát nước đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.
Hiện những lĩnh vực và ngành nghề sau đang được Gia Lai đặc biệt ưu đãi đầu tư gồm: Trồng rừng sản xuất tập trung tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên đất hoang hóa, đất rừng nghèo, đồi núi trọc; Sản xuất các sản phẩm công nghiệp tinh chế, thức ăn gia súc từ nguồn nguyên liệu địa phương; Sản xuất hàng may mặc, đồ da, cồn nhiên liệu, nước giải khát có ga. Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm: xây dựng mới bến xe, đường giao thông, phát triển hệ thống xe buýt; hệ thống cấp thoát nước; xử lý nước thải, rác thải đô thị. Cơ sở dân lập, tư thục trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đầu tư xây dựng các cơ sở thực nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; đầu tư nghiên cứu triển khai công nghệ sinh học được ứng dụng theo qui mô công nghiệp trong việc sản xuất cây giống, con giống, các chế phẩm sinh học, phân bón sinh học đạt các tiêu chuẩn quốc gia hoặc đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. Đầu tư xây dựng khai thác các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy mô công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Hưng
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI