LÂM ĐỒNG

Lâm Đồng: “Sẵn sàng nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhà đầu tư”

15:18:06 | 14/7/2010

Thời gian qua, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cùng nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Lâm Đồng đã tạo bước đột phá về thu hút đầu tư, trở thành một trong những vùng đất phát triển công nghiệp và dịch vụ sôi động của khu vực Tây Nguyên.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên VIB Forum với ông Phan Văn Dung – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lâm Đồng xoay quanh những thành tựu thu hút đầu tư của tỉnh nhà.

Được biết thời gian qua Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực tạo sức hút cho môi trường đầu tư của tỉnh nhà thông qua cải cách về hành chính, xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ… Thành quả khởi sắc của những nỗ lực trên là gì, thưa ông?

Ông Phan Văn Dung: Như đã biết, để thu hút mạnh vốn đầu tư và phát triển doanh nghiệp cần phải có môi trường đầu tư tốt trong khi đó môi trường đầu tư lệ thuộc rất nhiều vào lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Xác định được nhiệm vụ quan trọng này, Lâm Đồng đã dồn nhiều tâm huyết tập trung vào việc giải quyết thủ tục hành chính để tạo sức hút cho môi trường đầu tư. Cụ thể sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn về đầu tư và các Bộ đã có các Thông tư hướng dẫn chuyên ngành, UBND tỉnh đã ra quyết định 09/2008/QĐ-UBND ngày 20/3/2008 quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Có thể coi đây là cuốn sổ tay đầu tư, trong đó đã biên soạn trích dẫn các điều khoản của trên 3.500 trang của 12 bộ Luật và các Nghị định, Thông tư liên quan đến đầu tư, công khai các cơ chế chính sách cụ thể của Lâm Đồng đối với từng lĩnh vực. Các sở ngành thuộc tỉnh và UBND huyện đều giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa và áp dụng ISO cho thủ tục hành chính của cơ quan mình.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, những năm qua mặc dù ngân sách còn hạn chế nhưng tỉnh vẫn cùng UBND tỉnh Khánh Hòa đầu tư tuyến đường 723 từ Đà lạt đến Nha Trang dài 140 km, tạo điều kiện giao thương thuận lợi với các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá thế độc đạo trước đây. Đặc biệt được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT và Tổng Cục Hàng không, sân bay Liên Khương đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn A320 với 3,4 km đường băng đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhà ga hàng không hiện đại. Đồng thời tỉnh đã mở đường bay Đà Lạt - Đà Nẵng và cuối năm sẽ mở đường bay thẳng Đà Lạt – Singapore, tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và giáo dục quốc tế cho Đà Lạt-Lâm Đồng. Đồng hành với quá trình đầu tư của Nhà nước, Lâm Đồng đã xây dựng xong đường cao tốc sân bay Liên Khương-Prenn dài 18 km tạo điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông với đường hàng không.

Ngoài ra với nhiều sông suối ở địa hình dốc núi cho phép Lâm Đồng xây dựng các hồ chứa có dung tích lớn, phát triển mạnh lĩnh vực thủy điện. Đến nay ngành điện đã hoàn thành các nhà máy thủy điện lớn: Hàm Thuận - Đami 450 MW, Đại Ninh 300MW, Đa Nhim 160MW… Ngoài các công trình trên, tỉnh không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như xây dựng mới đường giao thông đô thị và nông thôn, hệ thống cấp thoát nước, các công trình thủy lợi… Năm 2009 thành phố Đà Lạt được công nhận là đô thị loại I, thị xã Bảo Lộc được công nhận đô thị loại 3 và năm 2010 được đưa lên là thành phố trực thuộc tỉnh.

Với nhiều cố gắng kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, từ năm 2003 đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng đã thỏa thuận đầu tư và cấp Giấy CNĐT cho 653 dự án với số vốn đăng ký 69.563,6 tỷ đồng; trong đó có 293 dự án đang triển khai và hoạt động với số vốn 11.348 tỷ đồng, chiếm 51,22% về số dự án và 18,14% về vốn đăng ký.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nào? Vậy những lĩnh vực trên đã là lĩnh vực nằm trong danh sách được Lâm Đồng ưu tiên và dành nhiều ưu đãi trong thu hút đầu tư chưa, thưa ông?

Ông Phan Văn Dung: Lâm Đồng hiện có 113 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 497 triệu USD. Các dự án FDI thời gian qua đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy số dự án đăng ký vào Lâm Đồng giai đoạn 2006-2010 đã tăng gấp hai lần so với thời kỳ 2001-2005 cả về số lượng dự án, quy mô vốn đầu tư nhưng so với tiềm năng thế mạnh của tỉnh thì quả thật chưa tương xứng, nhất là số dự án FDI chưa nhiều, quy mô vốn nhỏ, sử dụng ít lao động... Chỉ riêng lĩnh vực du lịch và dịch vụ, các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn so với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác với 14 dự án, tổng vốn đăng ký 14,5 triệu USD/1 dự án.

Phần lớn các dự án đầu tư trong thời gian qua phù hợp với những lĩnh vực tỉnh tập trung thu hút đầu tư như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; đầu tư phát triển đa dạng hoá các loại hình du lịch…Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao trong thâm canh sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó có thể thấy đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thực sự đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Với tiềm năng và thế mạnh của Lâm Đồng về điều kiện tự nhiên - xã hội; những quỹ đất sạch được quy hoạch dành cho các dự án đầu tư…; đặc biệt với những lỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; tôi tin rằng trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ nhanh chóng trở thành nam châm hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Ông có thể nói rõ hơn về cam kết “sẵn sàng nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhà đầu tư”? Hiệu quả của cam kết này đối với tiến trình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Phan Văn Dung: Để thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, ngoài việc quán triệt và thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư chung, Lâm Đồng đã vận dụng và cụ thể hoá các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng vào thực tế tại địa phương. Ngoài ra tỉnh còn tập trung mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng rõ ràng, đơn giản, công khai. Đặc biệt Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đăng ký kinh doanh; thực hiện giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh (từ 15 ngày xuống 7 ngày), giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư (từ 15 ngày xuống 10 ngày)…

Ngoài ra để hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư được tổ chức lại thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại & Du lịch, thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng duy trì thường xuyên các hình thức đối thoại, lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đồng thời duy trì lịch gặp gỡ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Nhờ đó mà những khó khăn trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp kịp thời được tháo gỡ; đây cũng là giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo lòng tin thu hút các nhà đầu tư mới.

Từ những cố gắng thực hiện cam kết “sẵn sàng nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhà đầu tư”, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thực sự thông thoáng, có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Kết quả về thu hút đầu tư, từ năm 2003 đến nay đã có 653 dư án được cấp Giấy CNĐT với số vốn đăng ký 69.563,6 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này là một trong những nguồn lực quan trọng, nếu được triển khai đầy đủ như cam kết sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng đã, đang và sẽ cùng các nhà đầu tư tháo gỡ mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư theo Giấy CNĐT đã cấp. Đồng thời kiên quyết xử lý những dự án đầu tư chậm triển khai, những dự án chủ đầu tư không triển khai để tìm cơ hội sang nhượng…, qua đó tạo một môi trường đầu tư thật sự trong sạch, minh bạch.

Xin cảm ơn ông!

Hải Trung