BẾN TRE

Nâng cao sức cạnh tranh của dừa Bến Tre

15:14:28 | 24/3/2011

Từ lâu nay, cây dừa đã đóng góp lớn vào việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết rất nhiều việc làm nâng cao thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống cho người dân Bến Tre.

Cây làm giàu

Theo ông Nguyễn Phong Hải, Giám đốc Sở NN& PT NT Bến Tre thì, hiện nay Bến Tre có diện tích 51.560 ha trồng dừa, trong đó diện tích cho trái là 41.535 ha, ước sản lượng 420,212 triệu trái, đạt 114, 62% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh sản lượng dừa thì giá dừa cũng tăng 39,89%, đã làm giá trị sản xuất của dừa tăng 49,96% so với cùng kỳ, tương đương 495,934 tỷ đồng. Diện tích dừa đang được mở rộng dần theo tiến độ triển khai dự án trồng mới 5.000 ha dừa. Việc đầu tư trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa cũng như triển khai các giải pháp canh tác và phòng trừ bọ dừa đã mang lại hiệu quả khá cao, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Nhận định cây dừa là cây truyền thống, biểu tượng của tỉnh và có giá trị to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp để khôi phục vườn dừa, trong đó có mô hình trồng xen canh cây có múi và cây ca cao trong vườn dừa để tăng thu nhập.

Với cây dừa người dân cũng đã tận dụng hết được giá trị của nó, đem lại nhiều lợi kinh tế. Từ thân cây dừa, gáo dừa, trái dừa, vỏ dừa, nan dừa... nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã ra đời. Đó là các sản phẩm đồ dùng trong nhà bếp, bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách, lược cho phái đẹp, gậy cho người già cho đến những đồ vật biểu tượng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ và đậm chất triết lý Phương Đông. Đồ thủ công mỹ nghệ của dừa đang được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Đồng thời rất nhiều sản phẩm từ dừa như kẹo dừa, mứt dừa…của những cơ sở chế biến tầm cỡ các sản phẩm từ dừa đã được xuất khẩu tới Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Bến Tre đã chú trọng đầu tư những thiết bị tiên tiến nhằm tăng giá trị, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm của Bến Tre trên thị trường thế giới. Ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dừa đã có đóng góp quan trọng trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh Bến Tre.

Để xuất khẩu dừa tương xứng với tiềm năng

Dừa Bến Tre đã chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới, tuy nhiên việc xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Có những doanh nghiệp muốn xúc tiến xuất khẩu sang Châu Âu nhưng lại thiếu thông tin về luật pháp, giá cả…ở thị trường này. Vì vậy nếu giải quyết được vấn đề thông tin cho các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho dừa Bến Tre ngày càng xuất khẩu thành công vào những thị trường khó tính nhất.

Bên cạnh đó, tuy không gặp rào cản nhưng dừa Việt Nam còn phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực cũng sản xuất các mặt hàng này. Ngành dừa vừa tính đến sản xuất lớn, vừa hoàn thiện ở nhiều khâu để khẳng định danh thơm của dừa Việt Nam. Vì vậy, việc tạo thương hiệu dừa vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu là cả một trong quá trình, tuyên truyền quảng bá đến tiếp thị, cần có chi phí lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ triển lãm liên vùng, quốc gia, quốc tế; tổ chức phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chuyên sản phẩm. Kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch qua việc mời các nhà phân phối, các hãng nhập khẩu vào Bến Tre qua các lễ hội hàng năm, đặc biệt là Lễ hội dừa, thăm làng nghề, cơ sở sản xuất, gặp gỡ nghệ nhân, để họ tận mắt xem thao tác, từ đó an tâm về phẩm chất, an toàn hàng hóa, yêu thích mẫu hàng hoặc đặt hàng mẫu sản xuất, gợi mở nhu cầu liên doanh, hợp tác quốc tế.

Việc tăng cường ứng dụng những thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng chất lượng, hạ giá thành cũng đạt tới đích nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm, mỗi doanh nghiệp.Coi trọng thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, để các doanh nghiệp nhập khẩu có nhiều sự lựa chọn, qua đó cũng tạo sức cạnh tranh của dừa Bến Tre đối với các quốc gia cùng xuất khẩu sản phẩm này.

Thanh Huyền