HỒ CHÍ MINH

Ngành ngân hàng: Nỗ lực đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế

01:06:55 | 5/5/2011

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai tốt việc ưu tiên vốn tín dụng phục vụ sản xuất- kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Hà Linh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh TP HCM.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân hàng (NH) đã có những chính sách nào hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất, thưa ông?

Nói đến việc tiếp cận vốn của DN phải nhìn từ hai góc độ của NH và DN. Về phía NH có đảm bảo được nguồn vốn và lãi suất phù hợp theo cung cầu vốn thị trường hay không, còn về phía DN có dự án hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay vốn hay không để trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp.

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế tăng trưởng tín dụng không quá 20%, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất 16% vào cuối năm 2011, tương ứng 136 ngàn tỷ đồng (bằng với dư nợ cho vay phi sản xuất cuối năm 2010). Như vậy trong năm 2011 trên địa bàn TP HCM dự kiến có khoảng gần 142 ngàn tỷ vốn tín dụng tăng thêm, sẽ tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên hạn chế tăng trưởng tín dụng 20% nhưng thực sự vốn dành cho sản xuất năm 2011 là con số không giảm, thậm chí tăng hơn so với những năm trước đây. Như vậy về khả năng đáp ứng vốn là không thể thiếu nhưng làm thế nào để vốn tập trung vào đúng đối tượng ưu tiên cho sản xuất- kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…Về vấn đề này, NHNN đã chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại (NHTM) phải xây dựng tăng trưởng tín dụng phù hợp, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực phi sản xuất, cân đối cung cầu và có lãi suất cho vay hợp lý.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, công nghiệp hỗ trợ hay doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc dành một phần vốn cung ứng theo kế hoạch năm 2011 để thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng có dự án cho vay nhóm đối tượng này. Ngoài ra để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trên địa bàn đã có 2 đơn vị hoạt động làm công tác bảo lãnh ngân hàng là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì ngay cả các DN cũng cần phải tái cấu trúc hoạt động theo hướng tập trung vốn cho sản xuất những mặt hàng thiết yếu; những mặt hàng chi phí không tăng nhưng có giá trị sử dụng tăng. Đặc biệt phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện vay vì hoạt động của NHTM cũng là một doanh nghiệp cũng cần phải bảo toàn vốn, đảm bảo an toàn hoạt động khi cho vay vốn.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc mua USD để phát triển sản xuất, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trước hết phải xác định DN gặp khó khăn trong việc mua USD là từ tỷ giá hay lượng USD cần mua để đáp ứng cho những nhu cầu nào. Khó khăn này không phải một phía từ DN mà ngay cả NHTM cũng gặp khó khăn trong việc cân đối cung cầu ngoại tệ.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu, mặc dù cán cân vốn có thặng dư nhưng khó có thể bù đắp được, chính vì vậy Việt Nam luôn khó khăn về nguồn USD và tỷ giá luôn có xu hướng tăng. Trong 3 năm gần đây, sức mua đối nội của đồng VN (CPI ) mất giá hơn 40%, trong khi sức mua đối ngoại (tỷ giá USD/ VNĐ) mất giá gần 20%. Một thực tế khác cho thấy hiện nay trên địa bàn trong tổng số vốn huy động ngoại tệ quy đổi USD của NHTM thì có đến gần 41% tiền gửi thanh toán của các DN, một số lượng khá lớn nằm trên tài khoản DN. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng DN có USD mà không muốn bán cho NHTM, do đó NHTM cũng gặp khó khăn khi đáp ứng USD cho các DN có nhu cầu. Các NHTM phải tự cân đối nguồn USD hiện có, mua của các tổ chức và người dân, mua trên thị trường liên ngân hàng để bán cho các doanh nghiệp phục vụ mục đích xuất nhập khẩu. Trước mắt các ngân hàng tập trung ưu tiên bán các USD phục vụ cho việc nhập các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, dược phẩm, thuốc trừ sâu, phân bón, kế đến là các mặt hàng không thuộc danh mục hạn chế nhập khẩu của Bộ Công thương. Có một số DN xuất nhập khẩu không thể mua USD ở các ngân hàng, nên đã tìm đến nguồn USD trên thị trường tự do theo giá “chợ đen”.

Hiện nay, NHNN đã thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ bắt đầu từ việc sửa đổi quy chế cho vay ngoại tệ theo hướng hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ, DN vay phải đảm bảo được nguồn vốn để trả nợ; quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ, đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bên cạnh đó điều chỉnh tỷ giá linh hoạt…. Các giải pháp đó nhằm góp phần giảm áp lực cầu ngoại tệ, sẽ hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, khuyến khích doanh nghiệp cá nhân bán ngoại tệ cho NHTM, tăng ngoại tệ cho NHTM, kỳ vọng rằng trong thời gian tới cung cầu ngoại tệ sẽ cân đối được, tỷ giá ổn định hơn, khó khăn của DN sẽ được giải quyết.

Xin ông cho biết mục tiêu phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian tới?

Mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng đến năm 2020 là phát triển bền vững và an toàn. Theo đó, đối với NHNN Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của NHNN đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, phù hợp với yêu cầu hội nhập với cộng đồng tài chính quốc tế, tạo nền tảng sau năm 2010 phát triển NHNN trở thành NHTW hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của các NHTW trong khu vực Châu Á. Xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và thực hiện thắng lợi công cuộc CNH, HĐH đất nước. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển theo hướng hiện đại, hoạt động đa năng để đạt được trình độ phát triển trung bình tiên tiến trong khu vực ASEAN, tạo nền tảng xây dựng được hệ thống TCTD hiện đại, trình độ tiên tiến trong khu vực. Phương châm hành động của TCTD là: “An toàn – hiệu quả - phát triển bền vững – Hội nhập quốc tế”.

Mục tiêu trước mắt trong năm 2011, ngành ngân hàng đã và đang tập trung thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, NHTM phải tập trung tăng năng lực tài chính đảm bảo đến 31/12/2011 hoàn thành các mục tiêu tăng vốn điều lệ theo chỉ đạo của Chính phủ. Kiện toàn bộ máy quản lý, đầu tư và ứng dụng công nghệ tin học, mở rộng mạng lưới, phát triển khách hàng. Phát triển dịch vụ ngân hàng theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều ngân hàng hướng đến phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng hiện đại: corebanking, internet banking, mobilbanking. Homebanking….

Hà Linh