HỒ CHÍ MINH

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

01:12:13 | 5/5/2011

Tp.Hồ Chí Minh là đô thị có nguồn nhân lực lớn nhất nước với khoảng 4,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tổng số người có việc làm hiện vào khoảng 3,2 triệu người. Ðội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn chiếm tới 30% so với cả nước. Số lao động đã qua đào tạo tăng từ 40% năm 2005 lên 55% năm 2010.

Thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010 do Ðại hội Ðảng bộ Thành phố lần thứ 8 đề ra, đến nay nguồn nhân lực Thành phố đã có bước phát triển đáng kể. Ðội ngũ cán bộ công chức, khối hành chính sự nghiệp các cấp, các ngành đã có hơn 138.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và gần 2.500 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

S hữu nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nguồn nhân lực, tuy vậy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Dự báo trong những năm tới, tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu không đưa ra được những giải pháp hợp lý, nhất là giải pháp gắn kết giữa tuyển dụng và đào tạo.

Thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn

Từ nhiều năm qua, vấn đề thiếu hụt lao động đã được đặt ra, tuy nhiên chưa bao giờ Tp. Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn một cách nghiêm trọng như những năm gần đây do chỉ có 50% lao động mới qua đào tạo. Đặc biệt lực lượng lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề còn rất ít ỏi, chất lượng chưa đạt so với yêu cầu. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các ngành: quản lý điều hành, tin học, kế toán, nhân sự - hành chính văn phòng, tài chính - ngân hàng...

Bên cạnh khu vực trung tâm, tại các vùng ngoại ô Thành phố, tình trạng khan hiếm lao động chất lượng càng trầm trọng hơn. Theo thống kê của Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh, tại 5 huyện ngoại thành của Thành phố bao gồm Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực, trong đó sư phạm và y tế là những ngành hiện đang có nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực. Tình trạng trên đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Thành phố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là do việc hoạch định chính sách đầu tư của Thành phố còn chậm chuyển đổi, chủ yếu vẫn là các ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Mặt khác chính sách đãi ngộ của Thành phố chưa thực sự hợp lý, do vậy hiện tượng chảy máu chất xám vẫn đang diễn ra. Những lao động được đào tạo bài bản thường tìm việc ở các công ty nước ngoài, nhiều du học sinh sau khi học xong cũng thường tìm cách ở lại nước ngoài do chính sách lương bổng và đãi ngộ cao hơn. Quan trọng hơn, vấn đề đào tạo và sử dụng lao động bị “lệch pha”, giữa các trung tâm đào tạo nhân lực và nơi sử dụng nhân lực chưa có sự tương thích hoàn toàn. Ðộ chênh giữa nhà trường và doanh nghiệp còn khá lớn, hơn nữa doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược, kế hoạch dài hạn về nhu cầu nhân lực của mình đồng thời chưa thật sự chủ động tham gia, góp sức vào quá trình đào tạo nhân lực.

Chương trình đột phá

Nhằm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, giai đoạn tới Thành phố sẽ tập trung đầu tư vào các nhóm đối tượng đặc biệt, có vai trò quyết định và tạo sự đột phá trong phát triển nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2010 đến 2015, sẽ ưu tiên phát triển nhân lực đủ để cung cấp cho những ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu đào tạo nhân lực kỹ thuật nghiệp vụ trung cấp phải đạt đến nửa triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phải đạt 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 trong đó lao động ở bốn ngành công nghiệp và chín ngành dịch vụ trọng điểm phải đạt 100%.

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết để đạt được mục tiêu trên, Thành phố sẽ có những chính sách ưu đãi riêng để thu hút nhân tài, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người lao động phát huy năng lực của mình. Chính sách đãi ngộ đối với người tài là một chính sách lâu dài, cần có lộ trình cụ thể, từng bước để họ gắn bó lâu dài với Thành phố và ra sức cống hiến. Một giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực có trình độ, chuyên môn là phải tăng cường hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm dạy nghề với các đơn vị sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động. Để tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh sẽ xem xét và tiến tới tổ chức hội chợ đào tạo. Đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với trường, nhằm hướng tới chương trình đào tạo mà xã hội cần chứ không đào tạo cái các trường có.

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp yêu cầu phát triển Thành phố, cần tiếp tục phát triển chương trình tái cấu trúc kinh tế gắn tái cấu trúc nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển. Đối với công tác đào tạo cần chú trọng định hướng các trường dạy nghề xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra chung cho từng ngành đáp ứng được yêu cầu xã hội. Tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực tập với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xã hội. Quan trọng hơn, trong chiến lược phát triển bền vững và lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao, Tp. Hồ Chí Minh phải nhanh chóng cải cách hệ thống giáo dục đào tạo từ cấp quận cho tới cơ sở, nhất là về mặt nội dung phương pháp đào tạo. Nhận thức được tầm quan trọng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành một trong sáu chương trình đột phá đã được Ðại hội Ðảng bộ Thành phố lần thứ 9 thông qua nhằm đưa Tp. Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng là đầu tàu mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.

Thanh Tân