Từ một huyện miền núi, biên giới khó khăn, trở thành thị xã, rồi thành một đô thị, Móng Cái đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều và tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế - xã hội của thành phố; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao trình độ dân trí và mức sống của người dân. Hệ thống đường giao thông, chợ, các công trình văn hóa, giáo dục, vui chơi, giải trí… được phân bố và phát triển đồng đều.
Hiện nay, Móng Cái là một thành phố trẻ năng động ở khu vực Đông Bắc. Từ năm 2005 đến nay, kinh tế Móng Cái có bước phát triển nhanh, toàn diện và duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân hàng năm đạt 14,35%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 66,4% năm 2005 lên 73,2% năm 2010, công nghiệp - xây dựng chiếm 11,9%, ngành nông nghiệp chiếm 14,9%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.500 USD (gấp 1,54 lần năm 2005).
Móng Cái đã và đang nắm bắt rất tốt thời cơ “vàng” với đề án Phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020 (được phê duyệt năm 2009). Mục tiêu của đề án là xây dựng Móng cái thành một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc.
Đồng thời, thành phố sẽ được xây dựng để trở thành hạt nhân của khu kinh tế mở, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. Quan trọng hơn, thành phố Móng Cái sẽ được xây dựng để trở thành một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hóa dịch vụ giữa ASEAN và Trung Quốc, thành trung du lịch lớn của khu vực phía Bắc, có khả năng gắn kết được với các địa phương để tạo thành tuyến du lịch động lực của toàn vùng. Thực hiện đề án này, hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng đô thị của Móng Cái được triển khai.
Hiện, Móng Cái đang xúc tiến đầu tư các công trình trọng điểm lớn như: cầu Bắc Luân 2, nâng công suất cảng Vạn Gia, bệnh viện quốc tế, hạ tầng khu dân cư biên giới, khu mậu dịch tự do.. Song song với việc phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị, Móng Cái cũng giải quyết rất tốt các vấn đề xã hội. Với những cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư, thành phố đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, công nghiệp… Hàng năm, Móng Cái giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương và hàng ngàn lao động nhập cư. Để duy trì và bảo đảm việc làm cho người lao động, thành phố có những chính sách hỗ trợ người lao động như tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động; hỗ trợ, trợ cấp kinh phí đối với học sinh học nghề nhất là đối tượng lao động nông nghiệp…
Với lợi thế “ven biên giới, ven biển và ven sông” trung bình hằng năm có tới hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xuất nhận khẩu qua địa bàn thành phố. Năm 2011, tổng kim ngạch XNK ước đạt 6.220 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 1.100 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 450 triệu USD và tạm nhập tái xuất ước đạt 4.670 triệu USD.
Để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của Móng Cái, vấn đề đầu tư đồng bộ hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công trình trọng điểm. Vấn đề cốt lõi xác định là đẩy mạnh thu hút đầu tư với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, tập trung nâng cấp, khai thác hiệu quả hệ thống chợ, trung tâm thương mại Trong thời gian tới, thành phố Móng Cái tiếp tục đề suất với Trung ương có cơ chế để lại cho thành phố từ 30 - 50 % số thu thuế XNK hằng năm để thành phố có thể chủ động cân đối, thực hiện tại đầu tư, sửa chữa, nang cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và bố trí các mục tiêu đầu tư linh hoạt.
PV