Đồng Nai sẽ tập trung công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra giám sát các dự án đầu tư như tăng cường công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; Giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong dân, đồng thời tích cực bảo vệ an ninh chính trị là những chia sẻ của bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai với tạp chí Vietnam Business Forum. Hà Linh thực hiện.
Xin bà cho biết kết quả kinh tế nổi bật mà Đồng Nai đã đạt trong 6 tháng đầu năm 2012?
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường giá cả những mặt hàng thiết yếu vẫn tăng, nhưng Đồng Nai đã tập trung sức triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, do vậy nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển. Kết quả nổi bật về phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2012 như sau:
Ước tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên địa bàn tăng 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,1%; khu vực dịch tăng 14,5%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp 6 tháng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng của tình hình khó khăn chung trong nước và Quốc tế.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,7% so cùng kỳ. Đồng nai vẫn tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn của tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 40.073 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch, tăng 23% so cùng kỳ. Tình hình giá cả thị trường được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm sự quản lý của nhà nước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 so với tháng 12/2011 tăng 3,29% (khu vực thành thị tăng 3,67%; khu vực nông thôn tăng 3,06%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 so với tháng 6/2011 tăng 9,32%.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 là 5.046 triệu USD, đạt 44,3% kế hoạch, tăng 10,5% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2012 là 4.907 triệu USD, đạt 40% kế hoạch, bằng 97,2% so cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư nước ngoài: ước thực hiện 6 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn là 880 triệu USD, đạt 98% kế hoạch, tăng 90% so cùng kỳ. Giải ngân 6 tháng đầu năm 2012 đạt 327 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư trong nước ước 6 tháng thu hút 6.455 tỷ đồng, đạt 72% so kế hoạch, tăng 7,6% so cùng kỳ. Có 950 doanh nghiệp thành lập mới (bằng 88,5% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 3.200 tỷ đồng và 295 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn (bằng 80,8% so cùng kỳ) với tổng vốn bổ sung là 1.350 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả về phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
Với kết quả như trên thì Đồng Nai dự báo về tình hình kinh tế của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2012 của tỉnh?
Trên cơ sở kết quả đạt được về phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2012, tuy tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng do Đồng Nai là địa phương tập trung hoạt động các ngành sản xuất công nghiệp qui mô lớn, có ảnh hưởng tích cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, do đó dự kiến 6 tháng cuối năm tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra. Cụ thể như sau:
Dự báo tổng sản phẩm quốc nội cả năm 2012 tăng tối thiểu là 12% - 13% so với năm 2011. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,5% - 4% so với năm 2011. Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ năm 2012 tăng 13,9% - 15% so với năm 2011. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 đạt từ 34.000 tỷ đồng - 35.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng 16% - 17% so với năm 2011.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2012 đạt ít nhất là 900 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước năm 2012 đạt 9.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh là 18.000 tỷ đồng.
Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, Đồng Nai sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa bà?
Để đạt được các chỉ tiêu theo dự báo trên đây, ngoài việc thực hiện các giải pháp cụ thể đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 08/12/2011; tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như:
Tập trung công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý nhanh hồ sơ miễn, giảm và giãn thuế theo quy định của Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Quan tâm công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mời gọi đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhất là cho vay ưu đãi 4 lĩnh vực: lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân); lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực công nghiệp sản xuất ngành nghề hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục nắm tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong tỉnh để có chỉ đạo xử lý kịp thời các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất. Tập trung hướng dẫn hồ sơ thủ tục đăng ký doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đăng ký mới và đăng ký bổ sung vốn doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cùng vớ đó là tăng cường công tác kiểm tra giám sát các dự án đầu tư như tăng cường công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn. Phối hợp các ngành các cấp trong việc kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách và các dự án của doanh nghiệp đầu tư (bao gồm dự án của doanh nghiệp trong nước và dự án đầu tư nước ngoài) để đôn đốc triển khai và xử lý kịp thời các vướng mắc khó khăn.
Giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, chính sách đối với người có công. Trong đó, tập trung phòng, chống, đấu tranh, xử lý kiên quyết, kịp thời làm hạn chế tối đa tình hình tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, cháy nổ và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết kịp thời, không để phát sinh lây lan và thành điểm nóng. Rà soát các đối tượng chính sách, người có công; những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia kháng chiến, người nhiễm chất độc gia cam được hưởng ưu đãi để giải quyết kịp thời, đúng chế độ chính sách đã được ban hành.
Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh trật tự, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong thời gian tới, Đồng Nai ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Trong các năm gần đây, thực hiện định hướng phát triển bền vững. Vì vậy tỉnh có chủ trương nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tap trung ưu tiên thu hút các dự án dịch vụ, các dự án công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án thân thiện môi trường; hạn chế thu hút các dự án có tính chất gia công sử dụng nhiều lao động. Ngoài ra, đối với các KCN chưa có trạm xử lý nước thải, hoặc có trạm xử lý nước thải đang hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thì vẫn chưa được thu hút đầu tư.
Do vậy định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai vào các lĩnh vực như về Công nghiệp: Ưu tiên các dự án công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có công nghệ sạch; Về Nông nghiệp: Ưu tiên phát triển trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học, Chế biến nông sản thực phẩm, Sản xuất các loại giống cây trồng vật nuôi mới ...; Về hạ tầng kỹ thuật: khuyến khích đầu tư Cầu, Đường, Cảng, đầu tư hệ thống thoát nước, đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp; Khuyến khích đầu tư các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, môi trường... ; Về địa bàn đầu tư, tỉnh Đồng Nai khuyến khích đầu tư vào các khu vực qui hoạch phát triển công nghiệp, các vùng sâu, vùng xa phía Bắc tỉnh.
Hiện nay Đồng nai đã có 24/26 KCN đã có Trạm xử lý nước thải. Đối với các KCN chưa có trạm xử lý nước thải, hoặc có trạm xử lý nước thải đang hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thì vẫn chưa được thu hút đầu tư.