Qua thực tế khảo sát trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến hết tháng 12/2011 cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh là 32,41% so với lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cơ cấu đào tạo đang sử dụng dạy nghề chiếm 15,32%, trung cấp là 9,8%, cao đẳng, đại học là 6,82% và trên đại học là 0,47%. Như vậy, Điện Biên đang thiếu lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.
Trước thực trạng đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu tích cực cho tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng đề án Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020, đồng thời coi công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Định hướng công tác đào tạo nghề trong thời gian tới là đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật đáp ứng đủ về số lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề với cơ cấu và trình độ phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trước hết, tỉnh quan tâm mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện dạy nghề, ưu tiên và công khai quỹ đất cho cơ sở dạy nghề, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Từ một tỉnh còn “trắng” về cơ sở dạy nghề, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 13 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng nghề, 7 trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện và 5 cơ sở khác có chức năng dạy nghề.
Việc đào tạo nghề theo “địa chỉ” tức là đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh được ngành lao động hết sức quan tâm. Vì thế tỉnh cũng thường xuyên kêu gọi và khuyến khích việc dạy nghề tại các doanh nghiệp và phát triển dạy nghề khu vực tư nhân. Qua đó xây dựng những cơ chế phù hợp để doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia hỗ trợ dạy thực hành và thực tập nghề. Đồng thời, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng chính sách phối hợp giữa đào tạo và sử dụng, chính sách hợp tác và khuyến khích đào tạo với doanh nghiệp. Những đơn vị làm tốt công tác này có thể kể đến là: Trường cao đẳng nghề, Trung tâm dạy nghề huyện Tuần Giáo, nhiều học viên các lớp nghề phi nông nghiệp, khi ra trường đều được các doanh nghiệp nhận và tạo điều kiện làm việc thuận lợi.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, công tác đào tạo nghề cần phải được mở rộng hơn nữa (cả bề rộng và chiều sâu). Bên cạnh đó, đội ngũ dạy nghề phải thường xuyên được chăm lo, trau dồi những kiến thức mới phù hợp với thực tiễn địa phương. Mọi nguồn kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề từ nguồn ngân sách của Trung ương, kết hợp với kinh phí địa phương để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên, dân tộc thiểu số.
Cúc Mi
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI