PHÚ THỌ

Huyện Tân Sơn: Phát triển kinh tế dựa trên nguồn lực nội tại

11:37:03 | 14/7/2014

Là huyện nghèo duy nhất của Phú Thọ được thụ hưởng chính sách “hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước” theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, Tân Sơn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Mặc dù hết sức cảm kích trước sự quan tâm, giúp đỡ ấy, nhưng ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn vẫn khảng khái cho rằng: Tân Sơn muốn thực sự “thoát nghèo” thì không thể chỉ biết trông chờ vào những ưu đãi, hỗ trợ từ bên ngoài mà phải biết tự vươn lên bằng chính nguồn lực nội tại, phải nắm rõ tiềm năng thế mạnh và những hạn chế, yếu kém để từ đó xác định cho mình những hướng đi đúng đắn, lâu bền…”.

Được thành lập trên cơ sở điều chỉnh lại địa giới hành chính huyện Thanh Sơn (cũ) theo Nghị định số 61/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007, Tân Sơn là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của Phú Thọ với 82,3% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, H’Mông), diện tích đất rừng chiếm tới 79,58% tổng diện tích đất tự nhiên. Không có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú, không có mặt bằng lý tưởng… có thể thấy, Tân Sơn không phải là địa phương thích hợp cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Hiểu rõ vấn đề này, lãnh đạo huyện luôn xác định trọng tâm thu hút đầu tư vào các ngành mà địa phương có sẵn nguồn lực như Du lịch, trồng và chế biến nông lâm sản…

Về lĩnh vực du lịch, huyện may mắn được sở hữu điểm du lịch lý tưởng Vườn Quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000 ha với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa Hè, buổi chiều hiu hiu như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh như mùa Đông. Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành, Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ. Bên cạnh VQG Xuân Sơn, du khách khi đến Tân Sơn còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, thưởng thức những đặc sản như: Lợn lửng, Gà chín cựa, thịt chua, Lúa nếp thơm vùng lòng chảo Xuân Đài, Kim Thượng; Khoai tầng, Chuối phấn vàng... riêng Lợn lửng, thịt chua và Gà chín cựa đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp trong Nam - ngoài Bắc. Đây là lợi thế của của Tân Sơn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng.

Đối với lĩnh vực trồng và chế biến nông lâm sản, trong 68.000 ha tổng diện tích tự nhiên thì diện tích đất lâm nghiệp của Tân Sơn chiếm tới 61.089ha (trong đó diện tích rừng đặc dụng là 15.048ha, diện tích rừng phòng hộ là 9.540,3ha, diện tích rừng sản xuất 36.590,7ha). Vì thế ngay sau khi thành lập, UBND huyện Tân Sơn đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là nhiệm vụ mục tiêu kinh tế mũi nhọn của huyện. Từ năm 2008, UBND huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế đồi rừng, theo đó, hàng năm đều tiến hành triển khai trồng mới từ 1800 – 2000 ha gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Các loại cây trồng chủ yếu của huyện là chè, sơn, các loại cây nguyên liệu cho ngành giấy… Trung bình mỗi năm, Tân Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 70 – 90 nghìn m3 gỗ, đem lại doanh thu khoảng 56 – 72 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 – 20 nghìn lượt lao động tham gia, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện nay, huyện còn đang phối hợp với một số doanh nghiệp và tổ chức khoa học nghiên cứu trồng thử nghiệm dưa chuột và một số loại cây dược liệu trên địa bàn.

Để khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh các hình thức thu hút đầu tư đa dạng và để tự vươn lên làm giàu, lãnh đạo huyện Tân Sơn xác định cần xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác quy hoạch, công khai quy hoạch được duyệt, các danh mục, dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, thường xuyên cung cấp thông tin về mục tiêu, yêu cầu đầu tư, thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm các ngành trong huyện đối với từng công đoạn, quy trình đầu tư cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương khi tham gia đầu tư, làm cơ sở cho các doanh nghiệp lựa chọn cơ hội đầu tư; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, lâu dài. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng: Phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.


Hiện nay, Tân Sơn rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhà khoa học nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi theo quy mô trang trại, tạo ra nền nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Trước mắt, huyện rất mong có được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực du lịch và trồng cây dược liệu… Một khi các tiềm năng của Tân Sơn được khai thác một cách hợp lý, trong tương lai không xa Tân Sơn sẽ là một mô hình huyện thành công trong thu hút đầu tư phát triển đi lên dựa vào chính tiềm năng sẵn có và nội lực của địa phương.

Kiều Trang